Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

DI LẶC KINH DU Ý - PHẦN NĂM - LUẬN VỀ NHÂN QUẢ

DI LẶC KINH DU Ý

Giảng giải: Đại Sư Cát Tạng, Đời Tùy

PHẦN NĂM

LUẬN VỀ NHÂN QUẢ
 

Gồm ba phần

1. Nhân hạnh.

2. Quả đức.

3. Thỉ chung.

1. Nhân hạnh: Về việc này thì Kinh và Luận giải thích khác nhau.

Như Kinh Ma Đức Lăng Già Tạng ghi: Trong mỗi một địa, phải trải qua hàng trăm ngàn đại kiếp, mới thành tựu công hạnh, không tinh hạng người hạ căn.

Luận Đại Trí Độ, Ca Chiên Diên Tử nói: Ba A tăng kỳ kiếp tu tập quả hạnh.

Hỏi: Ca Chiên Diên Tử Luận về bán giáo và hạnh giải trong nhiều kiếp của Bồ tát, thế nào gọi là bán giáo, là tiểu thừa, đại thừa mãn giáo.

Đáp: Điều này cũng khó nhận biết, nhưng gồm hai nghĩa là chánh và phụ bàng. Ca Chiên Diên tuy chánh thức Luận về giáo tiểu thừa. Nhưng bên cạnh đó cũng có đề cập đến Bồ tát hạnh của đại thừa mãn giáo.

Sao gọi là phụ?

Luận Thành Thật ghi: Chân chánh giải thích thật nghĩa trong Tam Tạng, mà không ngại luận đến đại tiểu.

Phẩm Lợi Nghiệp ghi: Sáu độ Ba la mật như bố thí… chứng đắc quả A nậu tam bồ đề. A tăng kỳ, mười nhân mười là trăm, mười lần trăm thành một ngàn, mười lần ngàn thành vạn, mười lần vạn thành ức, ngàn vạn ức thành na do tha, ngàn na do tha là tần bà.

Một ngàn tần bà là già đà, trên già đà thì gọi là A tăng kỳ, nếu căn cứ theo việc thực hạnh phát tâm của Bồ tát Thích Ca thì ở A tăng kỳ thứ nhất đã có hành giải mà chưa tự biết mình sẽ làm Phật, nhưng chẳng dám luận bàn, tâm không sợ sệt thấy biết đầy đủ. Đức Di Lặc phát tâm trước, Đức Thích Ca phát tâm sau.

Kinh Phật Tạng ghi: Thuở xưa, Di Lặc gặp Đức Phật Thiện Minh, nơi trụ xứ của Phật, Ngài phát sơ tâm Bồ Đề.

Vì thế Kinh này ghi: Đức Di Lặc phát tâm trước Đức Thích Ca bốn mươi kiếp.

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân ghi: Trước Đức Phật Thích Ca, đã có một vị Phật ra đời, tên là Đại Thích Ca Mâu Ni, lúc bấy giờ, Đức Thích Ca còn là một tội nhân bị thọ khổ ở địa ngục Hỏa Xa, mới phát đại tâm. Thời gian ở quá khứ từ Đức Đại Thích Ca đến Phật Kế Na Thi là A tăng kỳ thứ nhất, bấy giờ Bồ tát Thích Ca chưa lìa thân nữ.

Từ Phật Kế Na Thi đến Phật Nhiên Đăng là A tăng kỳ thứ hai, bấy giờ mới lìa khỏi thân nữ, Bồ tát dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng, trải áo da nai, xỏa tóc lót trên bùn để Phật đi qua, được Phật Nhiên Đăng thọ kí: Hơn chín mươi mốt kiếp ở vị lai, ông sẽ làm Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Từ Phật Nhiên Đăng đến Phật Tỳ Bà Thi là A tăng kỳ thứ ba, Bồ tát tu tập đầy đủ trí tuệ, thành tựu Phật quả.

2. Quả đức: Gồm có cận quả và viễn quả.

Kinh ghi: Vào ngày mười lăm tháng hai năm thứ mười hai ở kiếp hậu, trở về chỗ đã sinh, mệnh chung sinh lên Cõi Trời Đệ Tứ Thiên, gọi đó là cận quả quả gần.

Viễn quả gồm hai loại:

Khi năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm đã mãn, sinh xuống Diêm Phù Đề, thành Chánh giác, ứng với cận quả.

Tu hành nhiều kiếp, mãn Kim cang tâm thì thành Phật, đó là chân quả tức viễn quả.

Hỏi: Luận theo hoàn sơ không gian, thì có thể như thế, còn theo thụ mật thời gian thì vì sao không luận đến chánh quả?

Đáp: Chánh quả chẳng phải cận, chẳng phải viễn, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, cho nên không luận đến. Nhưng nếu muốn gượng biện minh thì cũng tạm được.

3. Luận thỉ chung và thời gian:

Như các Kinh Hiền Kiếp…. Đều nói: Kiếp có ba thời, mỗi một kiếp thời có một ngàn Đức Phật, đó là kiếp quá khứ Trang Nghiêm một ngàn Đức Phật, hiền kiếp hiện tại một ngàn Đức Phật và kiếp vị lai tinh tú một ngàn Đức Phật, ba ngàn vị Phật này.

Thuở xưa cũng tu hành thú thắng nhân, theo thứ tự dần dần đắc quả ở ba kiếp thời, lại ngàn Đức Phật ở kiếp quá khứ chỉ cùng một tên nhưng trong một ngàn vị Phật ở hiền kiếp hiện tại thì mới có bốn vị xuất thế, nay Đức Di Lặc là vị thứ năm sẽ ra đời hưng thịnh Phật Pháp, vì xuất thế có trước sau, nên nay Luận về điều này.

Trong Đại Luận, Ca Chiên Diên Tử nói rằng: Vào quá khứ cách đây hơn ba A tăng kỳ kiếp. Bấy giờ Bồ tát đang ở trong thời gian một trăm kiếp tu hành ba mươi hai tướng tự tại. Thành tựu tùy theo nhanh chậm, chậm thì một trăm kiếp, nhanh thì chín mươi mốt kiếp. Bồ tát mua năm hoa sen tung lên hư không cúng dường Phật, nên sau chín mươi mốt kiếp sẽ thành Phật.

Nhưng nếu giải thích rõ ràng thì nên biết, đáng lẽ ra đầy đủ một trăm kiếp mới thành Phật, nhưng do tinh tấn tu hành khổ hạnh, nên vượt qua được chín kiếp, còn chín mươi mốt kiếp. Nếu chẳng vượt chín kiếp thì thành Phật sau Ngài Di Lặc.

Vì thế trong Kinh thường nói: Đức Di Lặc phát tâm tu hành trước Đức Thích Ca, không tinh tấn khổ hạnh nên thành Phật sau.

Ngài Di Lặc tự nghĩ rằng: Trong một ngàn A tăng kỳ kiếp ta thà sinh ở Cõi Trời Đâu Suất Đà, thuyết pháp độ Chư Thiên, chứ chẳng thể tạm xả thân mà tu tập các hạnh khổ.

Đức Thích Ca vì tinh tấn, khổ hạnh nên vượt chín kiếp được thành Phật, như trong Đại Kinh từng nói: Bồ tát nghe La sát nói kệ vượt mười hai kiếp, được thành Phật.

Còn Đại Luận thì nói: Vượt chín kiếp.

Về chổ bất đồng này các Sư giải thích rằng: Theo tiểu kiếp thì nói vượt mười hai kiếp, theo đại kiếp thì nói vượt chín kiếp, hoặc cho rằng trong ba kiếp mỗi mỗi vượt ba kiếp, tất cả chín kiếp.

Hỏi: Vì sao Đại Kinh cho rằng Bồ tát nghe Kệ, vượt được mười hai, còn Đại Luận thì ghi là chín kiếp?

Đáp: Như Đại Kinh nói Bồ tát ở Tuyết Sơn nghe La Sát nói bài kệ: Các hành vô thường, các pháp sinh diệt, sinh diệt đã diệt, tịch diệt an lạc cho nên vượt qua đuược mười hai kiếp.

Đại Luận thì nói rằng: Luận về thời gian xuất thế của Đức Phật Phất Sa, không nhất định nói đến thời gian lâu xa, chỉ vì Đức Phật kia có hai vị đệ tử là Thích Ca và Di Lặc. Đức Phật Phất Sa quán biết Bồ tát Thích Ca tâm chưa thuần thục, nhưng tâm hóa tha đã thuần thục.

Vì sao?

Vì Đức Phật Thích Ca cho việc tự lợi là phụ, hóa tha là chánh, còn quán Đức Di Lặc thì thấy tâm tự lợi đã thuần thục mà tâm hóa tha chưa thuần thục.

Vì sao?

Vì Đức Di Lặc cho việc tự lợi là chính hóa tha phụ. Lúc bấy giờ, Đức Phật Phất Sa tư duy rằng: Tâm của một người dễ hóa độ, tâm của nhiều người khó điều phục, vì muốn làm cho Đức Thích Ca mau thành Chánh giác nên Đức Phật liền vào hang động ở núi Tuyết, nhập đại quang minh tam muội, khi ấy Bồ tát Thích Ca, hóa làm một Tiên Nhân ngoại đạo lên núi hái các loại danh hoa, thấy Đức Phật Phất Sa đang thiền định trong động, toàn thân phát ra ánh sáng rực rỡ.

Bồ tát liền sinh tâm đại hoan hỷ, kiểng chân, vòng tay nhìn Phật, nhất tâm quán Phật, mắt chẳng từng chớp, trải qua bảy ngày đêm, rồi đọc Kệ tán ngưỡng rằng: Trên Trời dưới Trời không ai bằng Phật, mười phương Thế Giới cũng không gì sánh được, những điều con nghe thấy ở thế gian, thảy đều không bằng Đức Phật. Bảy ngày đêm nhất tâm quán Phật, mắt chưa từng chớp như thế, mà vượt qua chín kiếp lớn, thành Phật ở hiền kiếp.

Có người cho rằng, nay nói vượt qua là trong việc tu nghiệp tướng hảo, vượt qua vì có chủng trí. Nay chẳng phải như thế, vì vượt qua mà chẳng vượt qua và đồng thời sau đó cả hai được thuần thục, nghiệp bát nhã siêu việt, nếu đạt được nghiệp bát nhã thì vạn sự tăng tiến. Nhưng trong chín mươi mốt kiếp này Chư Phật xuất thế không đồng thời.

Như Thích Luận quyển chín ghi: Trong chín mươi kiếp trước có ba vị Phật ra đời, mười kiếp sau có một ngàn vị. Kiếp đầu tiên của chín mươi kiếp có Phật Tỳ Bà Thi ra đời. Tỳ Bà Thi, Hán dịch là Chủng Chủng Kiến.

Kiếp thứ ba mươi hai có hai vị là Phật Thi Khí, Hán dịch là Hỏa hoặc Đảnh Kế và Phật Tỳ Nô Bà Phụ, Hán dịch là Nhất Thiết Thắng. Đầu kiếp chín mươi mốt, có bốn vị xuất thế, đó là Phật Ca La Cưu Thực Đà, còn gọi Câu Lâu Tôn. Đại Luận không phiên dịch, Côn Lôn Tam Tạng Quan Đảnh gọi đây là Mạo Phật, khi vị Phật này ra đời như có điều kì lạ xuất hiện, Phật Ca Na Hàm Mâu Ni, Hán dịch là Kim Tiên Nhân, Khuất Tiên Nhân.

Phật Ca Diếp, Phật Thích Ca Mâu Ni. Bốn vị Phật này và ba vị Phật trước ra đời trong chín mươi kiếp, vị đầu tiên thọ tám mươi ngàn tuổi thọ, vị thứ hai thọ bảy mươi ngàn tuổi thọ và vị thứ ba thọ sáu mươi ngàn tuổi.

Bốn vị Phật sau ra đời trong kiếp thứ chín mươi mốt. Kiếp tên là Hiền Kiếp, đầu tiên con người thọ vài ngàn vạn tuổi, giảm dần dần còn năm trăm tuổi thì có chuyển luân vua vua ra đời giáo hóa chúng sinh, sau đó lại dần dần giảm tiếp.

Kinh Hiền Kiếp ghi: Khi con người giảm còn bốn vạn tuổi thì có Phật Câu Na Đề, tức Phật Câu Lưu Tôn xuất hiện ở đời ngũ trược, trải qua sáu vạn năm khi tuổi thọ con người còn ba vạn năm thì có Phật Câu Na Hàm xuất hiện ở đời ngũ trược, trải qua bốn vạn năm khi con người còn hai vạn tuổi có Đức Phật Ca Diếp ra đời thọ mạng hai vạn nam.

Sau đó thọ mạng con người giảm dần còn một ngàn hai trăm năm thì Đức Thích Ca mới sinh lên Cõi Trời Đâu Suất, ở Cõi Trời này bốn ngàn năm, tương đương với năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, lúc bấy giờ, tuổi thọ con người còn một trăm năm, Đức Thích Ca từ cung Trời Đâu Suất sinh xuống Diêm Phù Đề, thành Phật, thời kỳ Chánh pháp năm trăm năm, Tượng pháp một ngàn năm, sau một ngàn năm trăm năm này thì giáo pháp của Đức Thích Ca bị diệt tận.

Kinh khác ghi rằng: Thời Mạt pháp một vạn năm chỉ có Bích chi Phật giáo hóa chúng sinh, khi tuổi thọ con người rút ngắn mười năm thì tam tai phát khởi, cảnh tượng điêu tàn, kẻ ác đã chết hết, cõi nước hoang vu, gặp nhau thì giết.

Bấy giờ có một Tiên nhân tên Quách Tướng, cũng gọi là Quách Trí xuất hiện, khuyên bảo rằng chớ nên giết hại lẫn nhau, tạo nhân duyên con người dần dần gần gũi nhau dạy tu thiện hạnh từ, những kẻ ác cãi hối tội lỗi, tu tập điều thiện, nhân đó gặp nhau, lại sinh con cái, thọ mạng hai mươi năm, cứ như thế con lại sinh cháu chắt.

Tuổi thọ được bốn mươi năm, dần dần tăng lên một trăm, rồi một vạn, ba vạn, khi đến sáu vạn thì có Chuyển luân thánh vương xuất thế giáo hóa chúng sinh, từ đó Thánh vương lần lượt ra đời, đến vị thứ bảy, tuổi thọ con người lên đến tám mươi sáu ngàn năm, thì Phật Di Lặc lại xuất hiện làm hưng thịnh Phật Pháp ở thế gian. Lúc bấy giờ, là thời kỳ cường thịnh, nhân dân an lạc, Đức Phật Hạ Sinh.

Kinh Đại Hiền Kiếp ghi: Hào quang của Phật Từ Thị chiếu soi bốn mươi dặm. Ngài thuộc dòng Phạm chí, cha tên Phạm Ma, mẹ tên Phạm Đức.

Đại Di Lặc Kinh Ý ghi: Cha là Quốc Duyên có đức hạnh của một đấng nhân chủ cho nên gọi là Tu Phạm Ma, Hán dịch là Thiện Đức, cũng gọi là Thiện Tịnh. Mẹ tên là Phạm Ma Bạt Đề, Hán dịch là Đức Chủ, Tịnh Chủ.

Kinh Hiền Kiếp lại ghi: Con tên Đức Lực, thị giả đa văn tên là Hải Thị, đệ tử trí tuệ tên là Tuệ Quang, đệ tử thần thông tên là Tọa Tinh Tấn, Phật thọ tám mươi bốn ngàn tuổi, Chánh pháp trụ ở đời tám mươi ngàn năm, Xá Lợi được tôn thờ trong một ngôi Chùa lớn để hoằng pháp.

Ánh sáng của Phật Sư Tử chiếu bốn mươi dặm. Phật thuộc dòng vua chúa, cha tên là Dũng Sư Tử, mẹ tên Giang Ý, con tên là Đại Lực, thị giả đa văn tên Thiện Lạc, đệ tử thần túc tên Vũ Thị, đệ tử trí tuệ tên Trí Tích.

Phật sống bảy vạn tuổi có ba hội thuyết pháp. Chánh pháp trụ thế một ức năm, Xá Lợi lưu bố tám phương thượng hạ. Từ Phật Câu Lâu Tần đến vị Phật chín mươi chín đều xuất hiện vào nửa kiếp trước, sau cùng chỉ Đức Lâu Chí Như Lai xuất hiện ở nửa kiếp sau.

Khi Phật Lâu Chí diệt độ, trong sáu mươi hai kiếp không có Phật xuất thế, đến kiếp sáu mươi ba có Đức Tịnh Quang xưng Vương Như Lai xuất hiện, thọ mười kiếp giáo hóa chúng sinh. Sau Đức Phật này, ba trăm kiếp lại không có Phật xuất thế. Ở đây tuy nói có một ngàn Đức Phật nhưng trước và sau tính chung thành ba ngàn vị.

Hỏi: Vì sao Đức Lâu Chí Như Lai một mình xuất hiện trong nửa kiếp?

Đáp: Tùy thuận cơ duyên mà ứng hợp như thế!

Hỏi: Vì sao trong hiền kiếp có một ngàn vị Phật?

Đáp: Kinh Kim cang Lực Sĩ ghi: Xưa có vị Chuyển luân thánh vương xuất thế, có một ngàn người con, mỗi mỗi đều phát tâm bồ đề, cầu thành Phật, người cha là Bậc Thánh vương muốn khuyên hóa một ngàn vị vương tử này, tuy một ngàn vị này trước đã là những vị Phật, nhưng nay cũng phải đề tên vào thẻ, rồi dùng nước hương tắm gội, kế đó bắt thăm ai sẽ là vị Phật đầu tiên.

Người bắt được thẻ thứ nhất là vị sẽ thành Phật đầu tiên cho đến vị thứ chín trăm chín mươi chín, còn một vị cuối cùng là vị thứ một ngàn.

Các vị vương tử kia khinh chê vị vương tử thứ một ngàn rằng: Chúng ta thành Phật đã hóa độ hết chúng sinh rồi, ngươi mới thành Phật, thì độ nơi nào?

Vị ấy nghe vậy liền buồn khóc, nhưng lại suy nghĩ rằng, Thế giới vô biên, chúng sinh vô tận, ta nay phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật thì thọ mạng của chúng sinh ở cõi ta hóa độ sẽ bằng thọ mạng của tất cả chúng sinh mà các vương tử đã hóa độ. Số lượng chúng sinh được độ cũng như thế. Khi phát nguyện xong thì mặt đất khởi lên sáu thứ chấn động và Phật liền thọ ký. Do nhân duyên này mà một vị Phật cuối cùng độc chiếm nửa kiếp sau.

Vì buồn khóc nên có tên là Đề Khấp Phật, cũng là Lâu Chí Phật, Quang Minh Phật, vì khi vị Phật này xuất sinh thì ánh sáng thù thắng chiếu soi, lúc bấy giờ, các vương tử đều phát nguyện rằng: Khi thái tử thành Phật thì chúng ta là những Thần Kim cang hộ trì Phật Lâu Chí. Nhưng Kim cang Hộ này là Xúc Kim cang Thần hộ trong năm tánh chấp Kim cang hộ.

Hỏi: Một ngàn vị Phật trong hiền kiếp, đều là một ngàn người con của Bậc Thánh vương ở thế gian, đề tên bắt thẻ lần lượt xuất hiện ở thế gian thành Phật, đến đi hai lần, ở hai thời tổng cộng hai ngàn vị, vì nhân duyên gì chỉ nói có một ngàn vị Phật xuất thế?

Đáp: Các Sư đều cho rằng, các Kinh không nói đến nhân duyên này, nhưng ở đây thì có, mà dùng thí dụ tương tợ để giải thích, như nói nhân duyên xuất hiện một ngàn vị Phật, Kinh Đại Phẩm ghi: Trong đây Thiên Chủ hỏi, Tu Bồ Đề đáp.

Giải thích Bát Nhã ghi: Trong hằng hà sa Phật độ ở mười phương cũng như Thiên Chủ hỏi. Tu Bồ Đề đáp.

Vì sao?

Vì đạo của Chư Phật đều đồng nhất. Tổng hợp yếu nghĩa của Địa Luận và Nhiếp Luận cũng như tông chỉ hai nhà Thành Thật và Tỳ Đàm thì biết rằng thể thành Phật chẳng là vật khác, mà đó là thần thức của chúng sinh có tánh nối tiếp không gián đoạn, rốt cuộc sẽ đạt thành quả vị cùng tột.

Như lóng bỏ cặn dơ, thì các chất thô xấu trừ sạch, chủng trí hiển hiện tròn đầy, lặng trong thường trụ, đó gọi là tu tập viên mãn vạn hạnh muôn thiện, mà thành tựu vạn đức. Vì thế khi Kim cang tâm đã tận thì pháp thân hiển hiện. Chuyển vô minh thành minh vậy.

Đại Kinh ghi: Vô minh chuyển lại thành minh Nếu luận chung về thành Phật thì phàm có thức tâm đều có thể ấy thể thành Phật.

Cho nên Đại Kinh ghi: Tất cả chúng sinh đều có tâm, phàm kẻ có tâm thì sẽ thành Tam Bồ Đề. Nếu luận riêng thì chỉ là do nhiều kiếp tu hành tích tập, sau giai vị Kim cang tâm, công đức đầy đủ, gọi là chân thành Phật.

Nay các nhà đại thừa Luận theo chiều ngang và giả danh thì cũng có ý này, nhưng dùng nghĩa của một nhà mà tổng hợp các thuyết kia, nếu các thuyết kia chủ trương có tâm thức là thành Phật, thì đã phá trừ giả danh nơi tâm gọi là chân thành Phật, mà Đức Di Lặc như Kinh Thập Trụ Đoạn và Kinh Chư Phật Hạ Sinh, đều cho rằng đã thành Phật từ lâu xa.

Nhưng trong Tích thì ngày xuất gia là ngày thành Phật. Nếu luận theo thể của pháp thân thì danh ngôn và tâm thức đều bặt, nhưng lòng từ bi đã đầy đủ, chẳng trái với thệ nguyện, vạn đức trang nghiêm.

Vì sao?

Vì hóa độ chúng sinh nên hiện các hình sắc ứng hợp với quốc độ. Vì thị hiện tích chúng sinh, cho nên thị hiện làm muôn loài. Vì hóa độ mà hiện hữu vô sinh tử, cho nên hình thể khác nhau, như sắc thân và thọ mạng của bảy Đức Phật đều khác nhau.

Kinh Trường A Hàm… đều nói rằng: Đức Phật thứ nhất là Tỳ Bà Thi, cũng gọi là Duy Vệ, thuộc dòng dõi Sát đế lợi, Sát lợi Hán dịch là Phân Điền họ Kiều Trần Như, thân Phật cao hai ngàn bốn trăm dặm, màu vàng tía.

Cây trâm vàng được làm bằng loại vàng dưới cây uế, một hôm phu nhân lễ Phật làm rơi cây trâm cài trên đầu xuống đất, nhưng không ai thấy cây trâm bị rơi, bỗng nhiên ánh sáng của Phật không hiện, cho nên biết màu sắc của thân Phật là màu vàng tía, làm mờ vàng Diêm Phù Đề. Diêm Phù Đề A Xà Na, Hán dịch là Uế Thọ.

Cõi Nam Diêm Phù Đề lấy cây này làm tên, cây cao bốn chục ngàn dặm. Đức Phật Tỳ Bà Thi có cha tên là Bát Đầu Ma Đa, mẹ tên là Bàn Na Để, con tên Phương Cựu, thành ấp tên Bàn Đầu Ma Dã Đa, hào quang chiếu xa một trăm hai mươi do tuần, thọ tám mươi ngàn tuổi.

Đức Phật thứ hai là tên là Thi Khí, cũng gọi là Thức Phật, thuộc dòng Sát đế lợi, họ Kiều Trần Như, thân cao một ngàn sáu trăm tám mươi dặm, màu vàng tía, ánh sáng toàn thân chiếu xa một trăm do tuần, thọ mạng bảy mươi ngàn tuổi, cha của Đức Phật tên là Minh Tướng, mẹ tên Quang Diệu, con tên Vô Lượng.

Đức Phật thứ ba tên là Tỳ Xá Bà, cũng gọi là Tỳ Nộ Phụ, thuộc dòng Sát đế lợi, họ Kiều Trần Như, thân cao một ngàn hai trăm tám mươi dặm, hào quang chiếu xa bốn mươi do tuần, ánh sáng toàn thân chiếu sáu mươi do tuần, thọ mạng sáu mươi ngàn tuổi. Luận Tỳ Bà Sa ghi, cha của Đức Phật tên Thiện Chứng, mẹ tên Xưng Giới, con tên Sa Học, thành ấp tên là Vô Du.

Đức Phật thứ tư tên là Câu Lưu Tôn cũng gọi là Ca La Cưu Xan Đà, Hán dịch là Tịnh Hạnh, thuộc dòng Bà La Môn, họ Ca Diếp, thân Phật cao một ngàn dặm, hào quang chiếu ba mươi hai do tuần, ánh sáng toàn thân chiếu xa năm mươi do tuần, thọ mạng bốn mươi ngàn năm. Luận Tỳ Bà Sa bốn mươi sáu ghi rằng đệ tử đa văn của Phật tên là Tán Xa Bà Tôn, cha của Phật tên là Lễ Đức, mẹ tên Thiện Chi, con tên Thượng Thắng, thành tên An Hòa.

Đức Phật thứ năm tên là Câu Na Mâu Ni, thuộc dòng Bà La Môn, họ Ca Diếp, thân cao tám trăm dặm, hào quang chiếu một ngàn hai trăm dặm, ánh sáng toàn thân chiếu xa một ngàn sáu trăm dặm, thọ mạng ba mươi ngàn tuổi, có đệ tử đa văn tên Tô Chỉ cha tên là Nữ Đức, mẹ tên là Thiện Thắng, con tên Đạo Sư, thành ấp tên Thanh Tịnh.

Đức Phật thứ sáu tên là Ca Diếp, Hán dịch là Quy, thuộc dòng Bà La Môn, họ Ca Diếp, lấy họ làm tên. Thân cao mười sáu trượng, thọ mạng hai mươi ngàn tuổi, có thuyết nói ba mươi ngàn tuổi. Đại Kinh ghi Đức Phật Ca Diếp bảy ngày nhập diệt.

Có nhiều ý khác nhau, hoặc cho rằng bảy tháng nhập diệt, hoặc cho rằng bảy ngày Phật thuyết thường, lạc, ngã, tịnh mà chẳng phải nhập diệt, ý này tựa như hợp với thuyết cho rằng Phật có thọ mạng hai mươi ngàn tuổi. Cha Đức Phật tên Phạm Đức, mẹ tên Tài Chủ, con tên Tấn Vận, thành ấp tên Ba La Nại, đệ tử đa văn tên Dược Bà Tham.

Đức Phật thứ bảy tên là Thích Ca Mâu Ni, thuộc dòng Sát đế lợi, họ Thích Ca, thân cao một trượng sáu, hào quang chiếu xa bảy thước thọ mạng tám mươi tuổi. Về thọ mạng của Đức Thích Ca, các Kinh Luận ghi khác nhau. Như Kinh Trung Bản Khởi ghi Phật thọ tám mươi tuổi, Kinh Nê Hoàn hai quyển ghi Phật thọ bảy mươi chín gần tám mươi tuổi.

Phẩm Vương Thế trong Thai Kinh ghi thọ mạng của Đức Thích Ca là tám mươi bốn tuổi, Kinh A Hàm ghi Phật thọ tám mươi lăm tuổi, Thích Luận quyển ba mươi bốn ghi Phật thọ một trăm tuổi Luận, Bà Sa ghi thọ mạng của Đức Thích Ca ngang với Trời Tha Hóa Tự Tại là mười sáu ngàn năm nhưng chỉ thọ được tám mươi năm, là vì ứng theo căn cơ thể chất của chúng sinh chỉ kham thọ chừng ấy mà thôi.

Nhập diệt hóa độ chúng sinh, nghĩa là phó chúc cho hàng Thanh Văn và Bồ tát. Những thời gian bất đồng như thế, hoặc là tùy nghi theo chúng sinh mà ứng hiện thọ mạng không nhất định. Trong thọ mạng tám mươi năm, vào năm thứ bảy mươi chín Đức Phật nói Đại Kinh.

Nếu thế Kinh Pháp Hoa ghi: Hơn bốn mươi năm, tức là thời gian nói Kinh Niết Bàn lùi lại một năm, là năm thứ bảy mươi tám nói Kinh Pháp Hoa. Nếu ấn định thọ mạng Đức Phật là tám mươi tuổi, thì mười chín tuổi Ngài xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo, khoảng thời gian chính thức còn lại là thuyết pháp độ sinh.

Khi Phật thuyết pháp có người chỉ mới mười một tuổi, đã đến trụ xứ của Phật, cho rằng có thể kham nhận được Phật Pháp, đến khi Phật diệt độ thì người này đã sáu mươi mốt tuổi, bốn mươi năm sau thì người này được một trăm lẻ một tuổi, đều được nghe thuyết pháp. Trong tất cả các thời thuyết pháp, từ đầu đến cuối, người này còn tại thế.

Do có thể nói pháp độ sinh, cho nên thuần phong vẫn còn hưng thạnh Phật Pháp. Đây là ý của các Sư vậy. Đức Thích Ca, cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là Ma Gia, con là La Hầu La, thành ấp tên là Ca Tỳ La Bạt Đề Pháp, Đệ Tử Đa Văn… như đã ghi trong Kinh Cư Sĩ.

Từ Phật Tỳ Bà Thi cho đến Phật Thích Ca, lúc các Ngài hiện sinh đều đi bảy bước, tay chỉ Trời, tay chỉ đất nói rằng: Ba cõi đều khổ, trên Trời dưới đất chỉ ta là tôn quý. Sau đó lại dạo bốn cửa thành gặp già bệnh chết và Sa Môn, bèn xuất gia học đạo. Sau khi thành đạo đều đến Lộc Dã, chuyển pháp luân, thuyết tứ đế. Các thuyết đều luận như thế. Bảy vị Phật đều có thân sắc vàng.

Kinh Quán Phật tam muội quyển tám ghi: Thân của Đức Di Lặc cao một ngàn thước.

Kinh Thành Phật lại ghi: Thân cao mười sáu trượng, hào quang chiếu xa một trăm do tuần, thọ mạng tám mươi bốn ngàn năm, thuộc dòng Bà La Môn, họ Phạm Chí, cha tên Tu Phạm Ma, Hán dịch là Tịnh Đức, Thiện Đức, mẹ tên là Phạm Ma Bạt Để, Hán dịch là Đức Thù, con tên là Đức Lực, thành ấp tên Sí Đầu Mạt, đệ tử đa văn tên là Hải Thị.

Thai Kinh quyển hai ghi: Thích Ca sinh ra từ hông, Di Lặc sinh ra từ đảnh.

Ta thọ một trăm tuổi, Di Lặc thọ tám mươi bốn ngàn tuổi, quốc độ của ta toàn là đất, quốc độ của Di Lặc là vàng, quốc độ của ta khổ, của Di Lặc vui Sướng. Đức Di Lặc là vị Phật thứ năm trong một ngàn vị Phật ở hiền kiếp.

Kiếp quá khứ tên là Trang Nghiêm kiếp, có một ngàn Đức Phật, Đức Phật xuất thế đầu tiên là Đức Phật Hoa Quang, Đức Phật cuối cùng tên là Tỳ Xá Bà Như Lai. Hiện tại hiền kiếp có một ngàn vị Phật, vị thứ nhất tên là Câu Lâu Tôn, vị cuối cùng là Lâu Chí.

Kiếp vị lai tên là Tinh Tú kiếp cũng có một ngàn vị Phật, vị đầu tiên tên Nhật Quang Tịnh Quang Xưng Vương Như Lai, vị cuối cùng tên là Tu Di Tướng. Nếu căn cứ theo Kinh Xưng Dương Chư Phật Tam Thiên Phật, thì trong một ngàn Đức Phật ở kiếp quá khứ, Đức Phật đầu tiên xuất thế tên là Nhân Trung Tôn, kế đó là Phật Sư Tử Bộ và cuối cùng là Đức Phật Kim cang Vương.

Còn trong một ngàn Đức Phật ở hiền kiếp thì Đức Phật đầu tiên tên là Câu Na Đề, kế đó là Đức Phật Già Na Hàm Mâu Ni và Đức Phật cuối cùng là Lâu Chí. Trong một ngàn Đức Phật kiếp ở vị lai thì Đức Phật đầu tiên là Vương Trung Vương và Đức Phật cuối cùng là Chuyển Tràng Tôn Thượng Đức.

***