Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

PHẬT TỔ LỊCH ĐẠI THÔNG TẢI - PHẦN BỐN

PHẬT TỔ LỊCH ĐẠI THÔNG TẢI

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Hoa Đình Niệm Thường
 

PHẦN BỐN
 

Thân họ mang đầy ánh sáng, tự tại bay nhảy giữa hư không, giống như Chư Thiên trong Sắc Giới cũng có loại này. Mùi vị của đất dần dần phát sinh vị ngọt, có màu trắng như mật, hương vị thơm ngát. Lúc bấy giờ có một người vốn bẩm tánh tham đắm mùi vị, khởi tâm phân biệt thối thơm, liền bốc đất ăn, lại bảo mọi người làm theo như mình. Do bốc ăn như vậy nên ánh sáng trên thân tắt hết.

Do nghiệp lực chiêu cảm nên mặt trời, mặt trăng liền chiếu rọi bốn châu. Sau đó hương vị của đất cũng mất và phát sinh thành bánh bằng đất. Mùi vị của nó cũng ngọt nhưng có màu hồng như mật. Do họ tranh nhau lấy ăn, nên bánh đất này cũng mất. Thế là họ tranh nhau giành lấy dây leo trong rừng mà ăn, nên dây leo cũng hết. Rồi chẳng cần cày cấy mà lúa thóc tự mọc và mọi người cùng lấy lúa này để ăn. Do thức ăn này thô dở, nên họ phải bỏ cặn bả rễ gốc.

Bấy giờ, Chư Thiên hằng ngày lấy lúa thơm mà ăn. Sau đó có một người vốn bẩm tánh lười biếng cứ lấy hoài lúa thóc dự trữ ra ăn, những người khác cũng bắt chước anh ta, nên lúa thóc ngày càng vơi cạn. Từ đó họ cùng chia ruộng để phòng bị đến khi lúa hết sạch, cái tâm bảo thủ giữ gìn cũng bắt đầu phát sinh. Đối với những phần ruộng của kẻ khác họ cũng muốn rắp tâm chiếm đoạt, thế là nổi lên sự tranh giành.

Bấy giờ mọi người bàn bạc nên cử một người có đức phong làm chúa để đứng ra chia ruộng đất, ý kiến này ai nấy đều đồng ý và người được cử là Đại Tam Mạt Đa Vương Hán dịch là Chúng Sở Hứa. Vị vua này có rất nhiều con nối nhau làm vua.

Con trai trưởng tên là Quang Diệu, con của Quang Diệu là Thiện Đế, con của Thiện Đế là Tối Thiện, con của Tối Thiện là Tĩnh Trai. Năm vị vua này là Ngũ Vương trong thời kỳ thành kiếp. Con của Tĩnh Trai Vương tên là Đảnh Sinh, con của Đảnh Sinh là Diệu Đế, con của Diệu Đế là Cận Diệu, con của Cận Diệu là Cụ Diệu, con của Cụ Diệu là Nghiêm Diệu.

Năm vị vua này được gọi là ngũ Chuyển luân vương. Con của Nghiêm Diệu Vương tên là Xả Đế. Con Xả Đế là Xả Song, con Xả Song là Xả Cố Ni, con Xả Cố Ni là Cố Thất, con của Cố Thất là Thiện Kiến, con của Thiện Kiến là Đại Thiện Kiến, con của Đại Thiện Kiến là Trừ Ngại.

Con của Trừ Ngại là Kim Sắc, con của Kim Sắc là Cụ Phần, con của Cụ Phần là Ly Ác, con của Ly Ác là Diệu Cao, con của Diệu Cao là Định Hạnh, con của Định Hạnh là Thậm Hống Âm, con Thậm Hống Âm là Đại Thậm Hống Âm, con Đại Thậm Hống Âm là Năng An, con Năng An là Phương Chủ, con của Phương Chủ là Hiền Trần, con của Hiền Trần là Năng Quảng, con của Năng Quảng là Đại Thiên.

Chủng tộc của vua này có năm ngàn người kế vị. Con út của vua này có tên là A Tư Ma Ca Vương có bảy ngàn người con kế vị. Người con sau cùng tên là Cưu Lâu Vương có tám ngàn người con kế vị. Người con sau cùng tên là Cụ Đầu Vương có chín ngàn người con kế vị. Người con sau cùng là Long Âm có mười ngàn người con kế vị.

Người con sau cùng tên là Đát Di Lâu Đát, có mười lăm người con kế vị. Người con sau cùng tên là Cù Đàm Thị, tức dòng họ Cam Giá, con cháu họ nối tiếp nhau. Dòng Cam Giá Vương có một ngàn một trăm người kế vị. Người con sau cùng của dòng họ này tên là Tăng Trưởng, tức là Ý Sư Ma Vương.

Nhà vua này có bốn người con: Diện Quang. Tượng Thực. Điều Phục Tượng. Nghiêm Trạc. Đây gọi là họ Thích Ca.

Nghiêm Trạc có người con tên là Nghiêm Trạc Túc, con Nghiêm Trạc Túc là Trí Sở, con của Trí Sở là Ngưu Cư, con của Ngưu Cư là Sư Tử Giáp Vương.

Sư Tử Giáp Vương có bốn người con: Tịnh Phạn. Bạch Phạn. Hộc Phạn. Cam Lộ Phạn.

Con của Tịnh Phạn Vương tức là Bà Già Phạm, con thứ của ông ta là Nan Đà.

Bạch Phạn Vương có hai người con: Đế Sa Tức Điều Đạt. Nan Đề Ca.

Hộc Phạn Vương có hai người con: A Ni Lâu Đà. Bạt Đề La Ca.

Cam Lộ Phạn Vương có hai người con: A Nan. Đề Bà Đạt Đa.

Con của Bạt già phạm tên là La Hầu La. Chủng tộc Thích Ca đến đây là hết.

Lại nữa các dòng vua khác theo giáo pháp mà chấn hưng Phật Giáo. Hai trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, quốc vương của Trung Ấn Độ là Vô Ư làm quốc vương ở Nam Thiệm Bộ Châu, thường làm đại thí chủ chấn hưng Phật Giáo trong những lần kết tập. Sau đó ba trăm năm, phía Tây Bắc Thiệm Bộ Châu có vị vua tên là Cát Cư Thi Cát làm đại thí chủ chấn hưng Phật Pháp trong ba lần kết tập.

Trong các nước khác như Phạm Thiên Trúc, Ca Thấp Di La, Lăc Quốc, Quy Tư, Niết Ba Lạt, Chấn Đán, Đại Lý, Tây Hạ… các vị Quốc Vương ấy đều chấn hưng Phật Pháp ở ngay đất nước của mình. Hơn một ngàn năm sau khi Như Lai diệt độ, trong nước Tây Phiên mới bắt đầu có vua tên là Nha Khất Lật Tán Phổ. Đến đời vua thứ hai mươi sáu tên là Hợp Đà Đóa Lật Tư Nhan Tán. Lúc bấy giờ Phật Pháp mới lưu nhập trong nước này.

Về sau đời thứ năm có vua tên là Song Tán Tư Nhan Phổ, bấy giờ có Ban Di Đạt tên là A Đạt Đà, dịch chủ tên là Đoan Mỹ Tam Ba La cùng phiên dịch giáo pháp, sửa sang xây dựng Tinh Xá ở các nơi như Hợp Tát… để lưu truyền giáo pháp. Sau đó đến đời vua thứ năm tên là Khất Lật Song Đề Tán, vị vua này thỉnh Đại Sư Thiện Hải, Thượng Sư Liên Hoa Sinh, Ca Ma La Thập La, thế là chúng Ban Di Đạt được thành lập.

Những người ấy cùng với Tỳ Lô Giá Na La Khư Đát và Khương Long Tôn Hộ… cả thảy bảy người cùng phiên dịch giáo pháp. Ngoài ra Ban Di Đạt còn cùng với các dịch chủ truyền bá rộng những giáo pháp đã dịch ra. Ba giới cấm được hoằng truyền trong quốc gia này. Sau này đến đời vua thứ ba là Khất Lật Lai Ba Đảm, vị vua này mở mang thêm bờ cõi.

Bấy giờ có những người như Na Di Đa Tinh Thấp, Liên Đát La Bồ Đề, Ban Di Đạt… Cùng Tư Cát Cán, Kiết Tường, Tích Chước La Long Tràng… hiệu đính những bản đã dịch, phiên dịch những bản chưa phiên dịch, hoằng truyền giáo pháp. Dòng Tây phiên Vương đến nay có những người phiên dịch như Ban Di Đạt… dịch chủ, chúng thiện tri thức rất nhiều, cho nên giáo pháp rất hưng thịnh.

Quốc Gia Mông cổ phía Bắc: Do phước duyên đời trước chín muồi nên sinh ra vua Thành Cát Tư. Ban đầu Thành Cát Tư làm vua ở phương Bắc, một nước đa âm như Thiết luân Vương. Con ông ta tên là Quản Quả Đới, thời bấy giờ gọi là Khả Hãn, kế thừa ngôi vua mở mang bờ cõi. Con ông là Cỗ Vĩ thừa kế ngôi vua.

Con thứ của Thành Cát Hãn Hoàng Đế là Dựng La, con trưởng của Dựng La tên là Mông Kha, cũng lên nối ngôi vua. Em trai của vua này là Hốt Tất Liệt kế thừa ngôi vua, chinh phục các nước láng giềng mở mang lãnh thổ, quy y Phật Pháp, dùng Phật Pháp cai trị muôn dân.

Phật Giáo ở thời kỳ này hưng thịnh lẫy lừng gấp bội lần thời kỳ trước đó. Vua có ba người con. Con trưởng tên là Chân Kim, thân tướng tuấn tú như Thiên Pháp Bảo Trang Nghiêm. Con thứ hai tên là Mang Các Lạt. Con thứ ba là Nạp Ma Ha. Người nào cũng có đức độ, cai trị muôn dân chẳng khác cha mình. Đây là thời kỳ sơ khai.

Thỉ Tổ Đế Vương Tam Mạt Đa Vương: Lúc bấy giờ ruộng đất đã được phân chia, người ta nổi lên xâm lấn trộm cắp lẫn nhau.

Ban đầu phát sinh trộm cắp bị vua bắt tra hỏi, người này liền chối: Tôi chưa từng ăn cắp, thế là bắt đầu sinh ra nói dối, bị pháp vua hành hình, tức là có việc sát hại, pháp bất thiện từ đó phát sinh.

Lúc ấy chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, sau khi chết sinh trong loài bàng sinh, kế đến sinh trong loài ngạ quỷ, lần hồi sinh trong địa ngục. Kế đến trong ngục Vô gián nếu có một hữu tình thác sinh thì lúc bấy giờ thành kiếp hết. Như vậy, hữu tình tạo tác các nghiệp bất thiện, thì thọ mạng của họ giảm dần, sự thọ dụng cũng ngày một thiếu thốn.

Người trong Diêm phù đề thọ tám mươi ngàn tuổi, địa ngục Vô gián sinh một hữu tình, hai việc này cùng xảy ra một lúc. Thế là tình Thế giới hình thành một trung kiếp, thì khí Thế giới là mười chín trung kiếp. Như vậy thời hạn của thành kiếp là hai mươi trung kiếp. Lúc con người trong Diêm phù đề thọ tám mươi ngàn tuổi mới là thời kỳ trụ kiếp.

Trụ kiếp cũng tồn tại trải qua hai mươi trung kiếp. Đến khi con người chỉ sống được mười tuổi, xảy ra nạn đao binh trong bảy ngày đêm, tật bệnh nổi lên đến bảy năm bảy tháng, bảy ngày. Nạn đói khát xảy ra cũng bảy năm bảy tháng bảy ngày. Phần đông ai nấy đều chết cả.

Số ít còn lại thấy mình may mắn sống sót, nên khởi tâm kính trọng lẫn nhau, xa lìa nghiệp sát hại, dần dần sinh thiện tâm. Từ đó thọ mạng và thọ dụng của họ cũng dần dần tăng lên. Tăng đến lúc con người sống thọ tám mươi ngàn tuổi thì Chuyển Luân Thánh Vương xuất thế, dùng chánh pháp giáo hóa muôn dân.

Lúc tuổi thọ giảm xuống thì Bà Già Phạm xuất thế để cứu độ chúng sinh. Trong khoảng giữa của lúc tăng giảm có Độc Giác xuất thế làm phước điền cho tất cả chúng sinh. Trụ kiếp tồn tại hai mươi trung kiếp mới đến thời kỳ của hoại kiếp.

Ban đầu tình Thế giới hư hoại, trong ngục Vô gián không có hữu tình thác sinh, nghiệp đời trước hết, thác sinh ở trong đường khác. Nếu hữu tình chưa đoạn sạch nghiệp thì sinh trong địa ngục trên trên Vô gián hay sinh trong địa ngục Vô gián của Thế giới khác. Như vậy những địa ngục từ Vô gián trở lên dần dần hoại hết, thì họ thác sinh trong loài ngạ quỷ, kế đến ngạ quỷ, bàng sinh cũng trống không thì họ sinh trong loài người, ngoại trừ Bắc Câu Lô Châu.

Ngoài ra họ còn được sinh trong Lục dục thiên, dù không có Đạo Sư, Phật Pháp, nhưng vẫn đạt được Sơ tĩnh lự sinh vào Sơ thiền thiên. Người ở Bắc Câu Lô Châu sinh trong Cõi Trời thuộc Dục Giới, đạt được Sơ tĩnh lự sinh trong Sơ thiền thiên.

Dù không có Đạo Sư, không gặp chánh pháp nhưng họ đạt được Nhị tĩnh lự sinh vào Nhị thiền thiên. Từ ngục Vô gián lên đến Phạm Thế đều không còn, như vậy hoại kiếp đã qua mười chín trung kiếp. Sau đó trong bốn châu có bảy mặt trời xuất hiện.

Đầu tiên là không có mưa, rừng rậm cỏ cây đều bị khô héo. Lúc hai mặt trời xuất hiện thì ao rãnh đều bị khô cạn. Lúc ba mặt trời xuất hiện thì những con sông như hằng hà… đều cạn nước. Lúc bốn mặt trời xuất hiện thì ao Vô Nhiệt khô cạn. Lúc năm mặt trời xuất hiện thì nước trong biển chỉ còn đến đầu gối. Lúc sáu mặt trời xuất hiện thì nước trong biển cả đều khô cạn. Lúc bảy mặt trời xuất hiện thì khí Thế giới ấy bị lửa thiêu đốt.

Từ ngục Vô gián lên đến Phạm thế đều bị thiêu cháy cả, trong một trung kiếp như vậy. Tổng cộng hoại kiếp đã trải qua hai mươi trung kiếp. Không kiếp cũng như thế. Như vậy thành, trụ, hoại, không, cả thảy tám mươi kiếp. Gọi chung tám mươi kiếp này là một đại kiếp, bằng thọ lượng của chúng sinh trong Phạm chúng…

Khí Thế giới hư hoại: Khí Thế giới hư hoại có ba loại. Hỏa hoại, thủy hoại, phong hoại cũng giống như đã nói ở trên. Như vậy sau bảy lần ấy Thế giới mới khôi phục trở lại. Lại bị nạn thủy tai phá hoại lên đến Nhị thiền thiên. Từ Cực quang thiên, liền có mây to mưa lớn trút xuống.

Khí Thế giới ấy ngập chìm trong biển nước mênh mông, rồi nước ấy rút hết, là một lần thủy tai. Kế đến lại bị bảy lần hỏa tai. Cứ bảy lần hỏa tai lại có một lần thủy tai. Cứ thế mà xảy ra bảy lần thủy tai như vậy.

Lại nữa sau bảy lần thủy tai thì Thế giới lại hình thành, lại bị phong tai phá hoại lên đến Tam thiền thiên. Sức mạnh của gió này thổi tung cả Diệu Cao huống gì là những thứ khác. Đệ Tứ thiền thiên không bị ảnh hưởng. Những loài hữu tình ấy sinh, thì cung điện xuất hiện, mạng chung thì cung điện ẩn mất. Như vậy Khí Thế giới, tình Thế giới thành hoại đã trình bày xong.

Ngài Niệm Thường nói: Kha Thư cho rằng: Trong năm trăm năm tất có Vương giả xuất thế, trong thời đó lại có kẻ nổi danh ở đời. Lời nói đó quả thật đúng thay. Như Hoàng Nguyên ta, lừng lẫy một nơi, vạn bang điều phục, tôn kính Phật thừa, lạy thỉnh Pháp Vương Thượng Sư Tát Tư Ca, Đại Ban Di Đạt, Phát Tư Ba, Tuệ Tràng, Kiết Tường Hiền làm Đế Sư, nêu cao việc tốt đẹp.

Nhà vua xuống chiếu lấy tên nước là Đại Nguyên. Đế Sư vận dụng bút văn, phỏng theo sử truyện, lại được vua ban chiếu chỉ, tỉnh, quân, châu, huyện trong triều đều tuân thủ, nên trước tác bộ điển chương cho thời thế, đó là Chương Sở Tri Luận.

Khi Dụ Tông chưa lên ngôi, đã thỉnh Sư diễn thuyết luận này. Nội dung bộ luận trình bày về năm phẩm là Khí Thế giới, Tình Thế giới, Đạo Pháp, Quả Pháp và Vô vi pháp. Năm phần này tóm thâu tất cả những điều thấy biết, nên lấy tên là Chương Sở Tri Luận.

Phần lớn sư dựa trên công phu tu tập hằng ngày, cùng những Kinh Luận trong đời mà viết ra. Đối với nghĩa lý thì thật tương ưng, hệ thống lại những điểm nhầm lẫn cũng không phải ít. Nếu chẳng phải là bậc đại trí luận biện đến chỗ tột cùng của thật tướng thì làm sao có thể liễu đạt những pháp lớn như không kiếp, những pháp nhỏ như Lân hư trần rõ ràng như trái Am ma lặc trong lòng bàn tay như vậy được.

Thánh đức Thần công của Thế Tổ làm hoàng đế cả văn võ. Đạo thì khế với Phật tâm, đức thì vượt xa muôn Thánh, giữ gìn đại giáo, đáng là người ở dưới Hoàng thiên ở trên mọi người.

Phật Tử của Tây Thiên là bậc Đế Sư của Đại Nguyên, được vua ân sủng. Là người Tôn sư trọng đạo, đâu chỉ làm ra điển chương cho Đế Vương muôn đời mà còn là ngọn đèn chân chính cho những kẻ ngu mê lạc đường trong đêm tối.

Ở đây tôi chỉ sao lục lại hai chương Khí Thế giới và Tình Thế giới, đặt nó ở thiên đầu tiên. Còn lại ba Chương Đạo Pháp, Quả Pháp và Vô Vi Pháp có nói đủ trong Chương Sở Tri Luận.
 

CÁC VỊ VUA THỜI THÁI CỔ
 

Thái nghĩa là rất, lắm. Cổ đối lại với Kim. vua là Chủ.

Bàn Cổ: Vị vua đầu tiên, cai trị được mười tám ngàn năm.

Liệt Tử nói: Vận chính là Bàn Cổ.

Bắc Sơn lại nói: Trời cao một trượng, đất dày một trượng.

Bàn Cổ thì nói: Dài một trượng, đầu ở cực Đông, chân ở cực Tây, tay trái dang đến cực Nam, tay phải dang đến cực Bắc, mở mắt là ngày, nhắm mắt là đêm. Thở ra là nóng, hít vào là lạnh, thổi hơi thì thành gió, mây, hắt hơi thì thành sấm, sét. Bốn mùa vận hành, vạn vật sinh trưởng. Lớn đến Tám phương chín hướng thử hỏi còn gì nhiều hơn. So với Tam Hoàng, Ngũ Kỷ thì ai trước nhất.

Trong Cổ Kim ký cho rằng: Sau khi Bàn Cổ chết, thân hình ông ta chia thành muôn vật.

Thiên Hoàng Thị: Một thân có mười ba đầu.

Vi Chiếu nói: Có mười ba anh em, chia lãnh thổ ra cai trị. Mỗi người trị vì mười tám ngàn năm.

Trong Cổ Kim ký thì nói: Một thân Thiên hoàng có mười ba đầu.

Địa Hoàng Thị: Một thân có mười một đầu.

Vi Chiêu nói: Anh em gồm mười một người, trị vì tổng cộng mười một ngàn năm.

Đế Vương Giáp Tý nói: Chín ngàn năm.

Có thuyết cho rằng: Tam Hoàng ai nấy đều trị vì mười tám ngàn năm.

***