Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

PHẬT TỔ LỊCH ĐẠI THÔNG TẢI - PHẦN CHÍN

PHẬT TỔ LỊCH ĐẠI THÔNG TẢI

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Hoa Đình Niệm Thường
 

PHẦN CHÍN
 

THẾ TÔN GIÁNG SINH
 

Giáp Dần: Ngày tám tháng hai, Thế Tôn đản sinh dưới bóng cây Sa La Xoa, trong vườn Lâm Tỳ Ni ở nước Ca Tỳ La Vệ. Ngài xuất thai từ hông bên phải của Hoàng Hậu Ma Gia. Ngài thuộc dòng dõi Sát Lợi, cha là Tịnh Phạn Thiên, mẹ là Đại Thanh Tịnh. Lúc Ngài sinh có chín con rồng phun nước tắm.

Sau khi tắm trong bồn vàng xong, Ngài bước đi bảy bước và nói: Ta thọ thân lần này là lần sau cùng, trên trời dưới đất chỉ ta là bậc tôn quý.

Ngài có ba mươi hai tướng đại nhân, thân tướng đẹp đẽ, vô cùng trang nghiêm. Ba mươi hai tướng tốt này, các Kinh ghi chép có phần khác nhau. Nay chỉ y cứ theo một thuyết.

Ba mươi hai tướng đó là:

Lòng bàn chân bằng phẳng, đầy đặn.

Dưới bàn chân có một ngàn nan hoa như bánh xe.

Tay mềm dẻo như lụa Đâu La.

Giữa các ngón tay có lớp màng mỏng như ngỗng chúa.

Các ngón tay thon dài.

Gót chân đầy đặn.

Mu bàn chân nổi cao.

Hai cánh tay căng tròn.

Hai bắp chân đầy đặn như bắp chân nai chúa Y Ni Diên.

Nam căn ẩn kín bên trong như Tượng Vương, Mã Vương.

Lông trên thân màu xanh xoay qua phải.

Lông tóc đều xoáy lên trên.

Da trên thân màu vàng.

Da mịn không dính bụi.

Bảy nơi đều đầy đặn.

Vai, cổ rất đẹp.

Hai nách đầy.

Dung nghi hồng hào.

Thân tướng đoan nghiêm.

Toàn thân tròn trịa.

Cằm, ngực như Sư tử.

Ánh sáng trên thân chiếu xa một trượng.

Răng trắng, đều, khít.

Bốn mươi cái răng sáng sạch.

Cổ họng thường có tân dịch thượng vị.

Lưỡi che kín cả mặt.

Tiếng Phạm âm tấn già.

Tướng mắt xanh biếc.

Mắt như Ngưu Vương.

Mặt như trăng tròn.

Lông trắng giữa hai chân mày.

Tướng nhục kế trên đỉnh đầu.

Lại có tám mươi vẻ đẹp tùy hình, như trong Kinh Bát Nhã… có nói rất đầy đủ.

Bính Thìn: thái tử được ba tuổi, phụ vương dẫn Ngài vào lễ Miếu thờ thần, tượng thần đều đứng cả dậy, phụ vương thất Kinh thốt lên: Con ta quả thật là Bậc Thiên Trung Thiên.

Canh Thân: thái tử được bảy tuổi đến bái kiến các danh sư để học tập thư điển thế gian.

Quý Hợi: thái tử được mười tuổi, cùng mấy anh em trong dòng tộc thử sức. Ngài dùng tay nhấc bổng một con voi ở ngoài thành, bắn tên xuyên thủng bảy lớp trống sắt.

Thế Tôn xuất gia:

Giáp Tý: Thái tử dạo chơi bốn cửa thành thấy các cảnh sinh, lão, bệnh, tử.

Ngài dạo chơi cửa Bắc gặp một người xuất gia, trong tâm rất vui mừng.

Đêm tám tháng hai, Tịnh cư thiên cảnh báo rằng: Thời gian thái tử xuất gia đã đến.

Ngài liền cỡi ngựa vượt thành, đến núi Bàn đặc, dùng kiếm cắt tóc, vào vùng A Lam Ca ở Di Lâu Sơn tu tập Vô sở hữu xứ định.

Mậu Dần: Ở đây ghi theo thuyết: Sáu năm khổ hạnh, ba mươi tuổi thành đạo.

Có thuyết nói: xuất gia ngày tám tháng mười hai. Các bộ phái đều có những thuyết rất khác nhau.

Trong sớ của Ngài Huyền Tán nói: Tổng hợp các dị thuyết ấy, đúc kết thành hai thuyết sau:

Tiểu Thừa bộ: Mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo. Trong Kinh Bản Khởi, Nhân Duyên, cũng nói mười chín tuổi xuất gia.

Trong Kinh Tư Duy Vô Tướng Tam Muội nói: Ba mươi tuổi thành đạo. Trong Trí Độ Luận cũng nói mười chín tuổi xuất gia, nhưng không nói thành đạo vào lúc nào.

Đức Phật trụ thế chính xác là tám mươi năm.  

Có thuyết nói: Mười chín tuổi xuất gia, năm năm thờ tiên nhân tu lạc hạnh, sáu năm tu khổ hạnh, ba mươi tuổi thành đạo. Đại Trí Độ Luận theo thuyết này.

Tiểu Thừa và Đại Thừa bộ: Hai mươi chín tuổi xuất gia, ba mươi lăm tuổi thành đạo. Trong Tăng Nhất A Hàm, Trung A Hàm và Tạp A Hàm, Kinh Xuất Diệu và Tu Mật Luận đều nói hai mươi chín tuổi xuất gia.

Kinh Bi Hoa, Thiện Kiến luận nói: Ba mươi lăm tuổi thành đạo.

Trong Kinh Bản Khởi nói: Ba mươi lăm tuổi thành đạo.

Trong bài kệ dẫn Kinh của Bồ Đề Lưu Chi ghi:

Tám năm làm anh nhi

Bảy năm làm đồng tử

Bốn năm học ngũ minh

Mười năm hưởng dục lạc,

Sáu năm tu khổ hạnh

Ba mươi lăm tuổi thành đạo

Trong bốn mươi lăm năm

Giáo hóa khắp chúng sinh.

Ngài Chân đế và trong Tây Vực Ký đều nói y như đây. Kinh Kim Quang Minh, Kinh Báo Ân… đều nói Phật thọ tám mươi tuổi. Nếu mất năm Giáp Tý thì Ngài mới bảy mươi chín tuổi.

Giải thích sơ lược bài kệ:

Ngũ minh: Du Già luận giải thích:

Nội minh: Có hai loại tướng:

Hiển bày quả của chánh nhân.

Những gì đã làm thì không mất, những gì chưa làm thì không có được.

Nhân minh: Có hai loại tướng:

Bẻ gãy tha luận.

Thoát khỏi tha luận.

Thanh minh: Có hai loại tướng:

An lập cảnh giới. Và khả năng thành lập.

Ngôn ngữ khéo léo.

Y phương minh: Có bốn loại tướng:

Khéo léo nêu bày cái gốc của bệnh.

Khéo léo chỉ bày nguyên nhân của bệnh.

Chỉ bày cách trị rồi lại phát sinh.

Chỉ bày cách trị rồi không tái sinh.

Công xảo minh: Các thiện pháp trong thế gian.

Giải thích về tam đoan và lục nghệ:

Tam đoan:

Có tài về văn chương.

Có tài về võ thuật.

Có tài về biện luận.

Lục nghệ:

Lễ: Khiêm cung với người lớn kẻ nhỏ.

Nhạc: Biết suốt về phong tục.

Thư: Có bát thể và lục thư.

Số: Thông suốt toán số.

Xạ: Có tài bắn giỏi.

Ngự: Khéo điều phục voi.

Khi còn trong cung, Thế Tôn vốn bẩm tính nhân từ, khiêm cung, đó là lễ. Ngài hiểu khắp phong tục các xứ, đó là nhạc. Hiểu thấu sáu mươi bốn thư tịch, đó là thư. Thông suốt một trăm hai mươi phép toán số, đó là số. Bắn thủng chín lớp trống sắt, đó là xạ. Xách nổi con voi lớn cản đường, đó là ngự còn lại như Kinh luận có nói rất rõ.

***