Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm
TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO
CẢM THÔNG LỤC
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Đạo Tuyên, Đời Đường
PHẦN BA
TỰA CẢM ỨNG XÁ LỢI PHẬT
Ở THẦN CHÂU TRUNG QUỐC
Bậc Đại Thánh tùy duyên, hóa độ chúng sinh, ẩn thân hiện hình, phước đức bao trùm mọi vật, khắp cõi Ta Bà. Từ răng, móng, tóc, mắt đến bình bát y phục, đều hiện khắp Trung Thiên, phương Đông lại ít.
Vua A Dục cho xây Tháp khắp nơi, cảm ứng muôn loài từ đời Hán đến đời Đường chẳng thời nào không có. Đã gọi là linh cốt thì không thể tìm cầu như vật khác mà là tùy duyên ứng hiện. Vì thế xét các truyền thuyết và hiện tượng hiện tại thì nên ghi lại vài việc.
Trong Hán Pháp Bổn Nội Truyện chép: Minh Đế mở mang Phật Pháp, xây Chùa độ Tăng, các Đạo Sĩ ở Ngũ Nhạc muốn tỉ thí. Họ đốt Kinh và không ứng nghiệm nên người thì chết, người thì xuất gia học Phật. Lúc ấy Xá Lợi được mang đến từ Tây Vực phát ra ánh sáng năm màu, bay vút lên hư không tạo thành lọng báu.
Pháp Sư Ma đằng bay lên hư không biến hóa tự tại, Trời tuôn hoa báu cúng dường tượng Phật và Tăng, nhạc Trời vang xa mọi người đều kính tin. Trong Lạc thành thời Ngụy Minh Đế có ba ngôi Chùa, một ngôi ở phía Tây cung, thường có điềm lạ, Vua lo lắng định phá Chùa.
Một vị Tăng nước ngoài đang ở trong Chùa liền đem Xá Lợi ra. Vua thấy Xá Lợi sáng rực đủ năm màu liền khen là thần thông, rồi cho xây một ngôi làng trăm gian. Theo Phật Đồ Tinh Xá thì niên hiệu Xích Ô năm thứ tư, thời Ngô Tôn Quyền, Sa Môn Khương Tăng Hội đến Giang Đông lập am hành đạo, dân chúng cho là yêu dị.
Vua Tôn Quyền nghe, liền cho mời Sa Môn vào hỏi: Có linh tích gì chăng?
Sa Môn đáp: Có cầu thì ứng.
Vua nói: Nếu được Xá Lợi sẽ cất Chùa. Sa Môn cầu suốt hai mươi mốt ngày thì được bình đựng Xá Lợi. Vua Tôn Quyền đựng trong hộp đồng rồi cho đập, hộp đồng vỡ, nhưng Xá Lợi còn nguyên. Vua kinh ngạc, cho là điềm lành.
Sa Môn thưa: Xá Lợi Phật là kim cang, không thể đập vỡ, không bị đốt cháy. Vua lại cho lực sĩ đập, chày bị rơi, Xá Lợi vẫn còn nguyên, lại chiếu sáng hơn, Vua đem đốt thì trong lửa bỗng hiện ra hoa sen, Vua kính tin, lập Chùa Kiến Sơ, đổi tên làng thành làng Phật Đà. Tôn Hạo nối ngôi, rất bạo ngược, muốn phá Chùa đốt Kinh.
Có người khuyên là rất linh nghiệm, Tôn Hạo cho mời Sa Môn vào, hỏi: Nếu ứng nghiệm thì giúp Vua hưng thịnh, nếu không thì sẽ đập phá, chém người.
Sa Môn nói: Tâm thành thì ứng. Tôn Hạo cho ba ngày. Hơn trăm Tăng Chúng đều tập trung về Chùa. Tôn Hạo bày binh vây Chùa, chờ giờ đem giết. Có vị sợ không linh nghiệm nên tự vẫn trước.
Sa Môn nói: Phật để Xá Lợi đến nay, trước đã hiệu nghiệm, giờ không thể dối.
Đến giờ đã định thì Xá Lợi ứng nghiệm, Sa Môn dâng lên Tôn Hạo, thưa: Đây là thân kim cang của Phật, không gì phá nổi.
Tôn Hạo nói: Vàng đá còn mài được huống chi là xương cốt. Rồi Tôn Hạo cũng cho đập như xưa nhưng Xá Lợi vẫn còn nguyên, lại dùng nước sạch vẫy lên, Xá Lợi sáng rực soi cả cung điện. Từ đó Tôn Hạo kính tin thần hóa.
Đầu đời Tấn cũng được Xá Lợi, con của Trúc Trường Thư xuất gia làm Sa Môn tên Pháp Nhan, thường muốn hoàn tục, than rằng: Là cát đá, có gì quý đâu. Người cha liền ném xuống nước, bỗng hiện ánh sáng năm màu cao vút đến mấy thước, thấy vậy người con không hoàn tục nữa.
Sau khi cha chết, người con lại muốn hoàn tục nhưng vẫn không được, người con đem Xá Lợi về Tháp Giang Hạ. Vào niên hiệu Đại Hưng đời Tấn, đang đêm một pho tượng gỗ bỗng hiện ánh sáng, bên trong lại có tiếng, nhìn kỹ mới biết Xá Lợi đang nổi trong nước, ánh sáng rực rỡ.
Sa Môn Pháp Hằng định xây Chùa thì thấy oai thần biến hiện. Tiếng đồn vang xa, mọi người đều kính tin. Niên hiệu Hàm Hòa đời Tấn, một vị Tăng từ phương Bắc đến Dư Hàng định xây Chùa nhưng vì không đất không tiền, vị Tăng liền đi quyên góp. Được ba vạn đồng tiền, vị Tăng mua đất cất am tu. Định xây Tháp nhưng không có Xá Lợi, nghe La Ấn có, vị Tăng đến xin nhưng không được. Sau thấy vị Tăng, La Ấn vui vẻ xây Chùa ở Dư hàng.
Niên hiệu Hàm Khang đời Tấn, thái thú Mạnh Cảnh định xây Tháp, đang đêm bỗng nghe tiếng ở đầu giường, nhìn xem thì thấy ba hạt Xá Lợi. Thái thú xây Tháp. tháng sáu, niên hiệu Nguyên Gia năm thứ mười sáu, Xá Lợi phát ra ánh sáng soi chiếu khắp nơi, bảy ngày mới hết, mọi người đều thấy.
Niên hiệu Nghĩa Hưng năm thứ nhất đời Tấn, một người ở Lâm ấp nhặt được Xá Lợi, ban ngày thường phát ra ánh sáng. Sa Môn Tuệ Toại định thỉnh cho thứ sử Quảng Châu, nhưng chưa kịp nói thì Xá Lợi tự chia ra thành hai. Lại có người xin, Xá Lợi lại chia ra thành ba phần. Thứ sử muốn mô phỏng tuợng ở Trường can nhưng vị Trụ Trì cố chấp không cho.
Đêm đó có một người cao lớn bảo rằng: Tượng quý ở chỗ truyền đạo, sao lại tham tiếc?
Trụ Trì liền cho phép làm. Thứ sử đặt Xá Lợi ở búi tóc của tượng, ánh sáng thường chiếu rọi.
Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ sáu đời Tống, Giả Đạo Tử du hành thấy hoa sen sắp nở liền hái đem về. Chợt nghe trong hoa có tiếng lạ, tìm thấy một hạ Xá Lợi trắng như chân Châu, họ Giả cung kính cất trong hộp đem treo trên vách nhà. Người nhà thường thấy Phật Tăng đến nhà.
Có người vô tình làm ô uế nên đêm đó mơ thấy người báo mộng: Ở đây có chân thân Đức Thích Ca, Chúng Thánh đều tôn kính, sao lại làm ác, chết sẽ đọa địa ngục, làm thân tôi tớ không sợ hay sao?
Người ấy kinh sợ, không bao lâu bị bệnh chết. Trên vách nhà mọc tám nhánh hoa sen, sáu tuần thì khô, từ đó không còn Xá Lợi.
Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ tám đời Tống, ở xứ Cối Kê có nhà thờ Phật, đang đêm nghe tiếng gõ cửa, người nhà ra xem, thấy hơn mười người mặc y đỏ, chở tài vật, bảo rằng xây cất Chùa Phật, rồi biến mất.
Hôm sau thấy một hạt Xá Lợi màu vàng tía, đập không vỡ, đổ nước vào thì càng sáng, cả nhà tôn kính thờ phụng, sau tự nhiên biến mất. Tìm cả buổi thì thấy Lâm xuyên Vương ở trấn Giang lăng rước đi. Mọi người đều thấy khác nhau. Vương liền trì chú thì ánh sáng phát lên, hơn trăm người đi quanh Xá Lợi, hôm sau mới biến mất.
Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ chín, Trương Tu Nguyên ở Tầm Dương thiết lễ bát quan trai, mấy mươi Tăng sĩ tín đồ tham dự, chợt thấy bình hoa ở tượng Phật trắng như tuyết, họ tìm thì thấy mấy mươi hạt Xá Lợi, ánh sáng sáng rực, rồi chợt biến mất. Mấy mươi ngày sau họ lại thấy một chiếc răng, và mười hạt Xá Lợi. Các nơi nghe tin đều đến xin thỉnh.
Niên hiệu Gia Nguyên năm thứ mười lăm, ở Nam quận có người không tin đạo pháp, đang đêm nằm mơ thấy người báo mộng nên ân cần lạy Phật suốt nửa năm, sau thấy hai hạt Xá Lợi, trong miệng lại có ánh sáng, vợ con tìm thấy một hạt nữa. Nhưng không bao lâu lại biến mất.
Các truyện về thành tâm được Xá Lợi, kiêu ngạo thì không được ghi chép rất nhiều, chỉ lược nêu vài việc mà thôi.
Xưa, Tùy Cao tổ ở Long Tiềm, một thần ni vô cớ đến nói: Pháp Phật sắp diệt, tất cả thần linh đều đã về phương Tây. Ông hãy mở mang pháp Phật để thần linh trở lại. Sau đó họ Chu diệt Phật, nhà Tùy lên ngôi.
Xưa có một Bà La Môn mang đến một hạt Xá Lợi, bảo: Thí chủ có tâm nên để lại cúng dường, nhưng sau tìm không thấy.
Vua nói: Ta thành là nhờ Phật, liền cho xây Tháp khắp nơi, lại thờ tượng thần ni, lại xây Tháp nối liền với nền ở Chùa Pháp Giới, trong đó có đặt Xá Lợi. Mùa thu niên hiệu Khai Hoàng năm thứ mười lăm, ban đêm ánh sáng từ Tháp phát ra, trong một tuần có bốn lần như vậy. Vua sinh vào ngày mười ba tháng sáu niên hiệu Nhân Thọ cung Nhân Thọ vào năm thứ nhất. Vua lấy ngày này để đền ơn cha mẹ nên mời Chư Tăng làm lễ, xây ba mươi ngôi Tháp.
Vua hạ chiếu: Kính mong đấng Đại Từ bi cứu hộ chúng sinh, trẫm quy y Tam Bảo, trùng hưng Thánh Giáo, tạo phước khắp nơi để được lợi lạc ở hiện tại và vị lai. Thỉnh ba mươi vị đại đức hiểu sâu pháp tướng, truyền bá đạo pháp, đem thị giả đưa Xá Lợi về các Châu quận để vì trẫm mà xây Tháp cúng dường, Hoàng Hậu, Vương Tôn công tử, dân chúng Chư Tăng làm lễ sám hối trong bảy ngày, dùng quốc khố xây Tháp.
Các quan từ thứ sử trở xuống nghỉ việc bảy ngày, lo việc xây Tháp. Vào giờ ngọ ngày mười lăm tháng mười đồng khởi công xây Tháp. Hôm ấy Vua lên điện đứng bên tượng Phật, ba trăm sáu mươi vị Tăng lên điện. Vua lại thấy một người lạ, đắp y màu nâu. Vua ra lệnh xung quanh không được Kinh động. Làm lễ xong, Vua không thấy người lạ nữa.
Vua nói: Phật Pháp lại hưng thịnh, giờ xây Tháp thờ Xá Lợi nên có cảm ứng. Hôm xây Tháp ở Chùa Tiên dung đất Ung Châu, Trời tuôn tuyết lớn, Xá Lợi xuất hiện, soi sáng khắp nơi. Tháp ở Chùa Phụng tuyền cũng có hợp đá đựng Xá Lợi, nền Tháp lại hiện chim thú, đá biến thành thủy tinh. Tháp ở Chùa Hưng quốc, Kinh Châu cũng vậy.
Tháp ở Chùa Tịnh Niệm, Tần Châu cũng có tuyết rơi, cỏ cây ra hoa, ánh sáng chiếu soi. Tháp ở Chùa Tư Giác, Hoa Châu thì có tuyết rơi, Mặt Trời hiện năm màu che trên Tháp, Trời rải hoa như mưa. Tháp ở Chùa Hưng Quốc, Đồng Châu thì có mưa tuôn, mặt trời mọc, ánh sáng chiếu xa năm mươi dặm. Tháp ở Chùa Thê Nham, Bồ Châu thì mặt đất chấn động, tiếng chuông trống rền vang, năm tia sáng chiếu xa hai trăm dặm.
Tháp ở Chùa Vô lượng thọ, Tịnh Châu thì ban đầu Trời u ám, sau đó mặt trời chiếu soi, ánh sáng rực rỡ, vô luợng thiên thần hiện. Tháp ở Chùa Hằng nhạc, Định Châu thì có người lạ phủ tấm vải lên rồi biến mất, nước bỗng nhiên phụt ra. Tháp ở Chùa Đại Từ, Tương Châu thì tuyết rơi, mặt trời mọc, Trời tuôn hoa. Tháp ở Chùa Định Giác, Trịnh Châu, ánh sáng sáng như sao băng, Chùa thiết lễ cúng dường, muôn người ăn không hết.
Tháp ở Chùa Nhàn Cư, Tung Châu, thỏ đến, Trời mưa tuyết, mặt trời chiếu sáng, mây nhóm. Tháp ở Chùa Khai Tịnh, Hào Châu bên trong không có đá, chỗ khác có ba tảng đá, bên dưới là nước. Tháp ở Chùa Hưng thế, Nhữ Châu, mây tan, mặt trời mọc, sau đó mây tụ.
Tháp ở Chùa Đại Nhạc, Tần Châu thì đang đêm tiếng trống rền vang, cửa tự mở, ánh sáng hiện ra. Tháp ở Chùa Thắng Phước, Thanh Châu, khi đào nên thấy có tảng đá, sau đó ánh sáng hiện ra. Tháp ở Chùa núi Cự Thần, Mân Châu, được hai tử chi, tuyết rơi, mặt trời chiếu, sau đó biến mất. Tháp ở Chùa Trí môn, Tùy Châu, lúc đào móng có rùa thần, cam lồ rơi, ong đen bay quanh, rùa có văn chú.
Tháp ở Chùa Hưng Quốc, Tương Châu, Trời âm u bổng mặt trời hiện, mây tụ, Tháp ở Chùa Tây, Dương Châu, khi đưa Xá Lợi vào thì Trời tuôn mưa to, trước đó ở đây bị hạn. Tháp ở Chùa Tô Hà, Tương Châu, người ở đó mơ thấy Phật đến đây từ phía Tây Bắc. Khi Xá Lợi được đưa đến thì đúng như giấc mộng.
Tháp ở Chùa Đại vũ, Ngô Châu, thì Xá Lợi phải đi qua năm con sông nhưng không gặp phải sóng gió, lại được có tử chi. Tháp ở Chùa Sơn Tây, Hổ Khâu, Tô Châu, lúc đào móng có được một hạt Xá Lợi, nhạc Trời tự vang, giếng khô hai hôm.
Tháp ở Chùa Hoành Nhạc, Hoành Châu, gió nổi bốn phía, nước xuôi dòng, mây trắng phủ trên đỉnh núi, đến chỗ Tháp thì tạo thành hai vòng. Tháp ở Chùa Duyên Hóa, Quế Châu, khi Xá Lợi cách Tháp mười dặm chim chóc từ khắp nơi bay về, sau đó biến mất. Tháp ở Chùa Linh Thứu, Phan Châu, trong hầm có tượng thần tiên. Tháp ở Chùa Pháp Tụ, Ích Châu, Trời âm u, mặt trời xuất hiện, sau đó lại biến mất.
Tháp ở Chùa Pháp giảng, Quảng Châu, đang đêm ánh sáng soi chiếu cả Châu, mọi người đều thấy. Tháp ở Chùa Sùng Giáo, qua Châu, Vua quan đang đưa tù nhân đi đày, giữa đường thấy Xá Lợi, nên thả họ nhưng trong vòng mười dặm không một ai chạy trốn. Nguời ở Tùy Châu đào ao nuôi cá nhưng gặp Xá Lợi thì thả hết.
Các quan thấy sự cảm ứng của Xá Lợi liền dâng sớ tâu vua, Vua hạ chiếu: Nhờ đức từ bi che chở chúng sinh, trẫm thành tâm tạo phước thù thắng, tạo nhân lành khắp nơi, nên phân Xá Lợi, xây Tháp thần, đức từ bi hiện tướng ánh sáng, Xá Lợi được hiện ở cung điện, thật là việc ít có, là phước lành cho muôn loài.
Đó hẳn là sự cảm ứng của lòng thành kính. Nay Xá Lợi vẫn còn, hãy chia cho năm mươi ba Châu, để chúng sinh trong sáu nẻo ba đường đều thoát khổ, bước lên quả Thánh. Tháng giêng niên hiệu Nhân Thọ năm thứ ba, lại phân bố Xá Lợi cho năm mươi ba Châu.
Giờ Ngọ ngày mùng tám tháng tư, các Châu đều đón rước. Các Châu đó là Hằng Châu, Tuyền Châu, Tuần Châu, Doanh Châu, Hồng Châu, Hàng Châu, Lương Châu, Đức Châu, Thương Châu, Quan Châu, Doanh Châu, Ký Châu, U Châu, Từ Châu, Cử Châu, Tề Châu, Thái Châu, Sở Châu, Giang Châu, Đàm Châu, Mao Châu, Bối Châu, Tống Châu, Triệu Châu, Tề Châu, Đoái Châu, Thọ Châu, Tín Châu, Kinh Châu, Lê Châu, Từ Châu, Ngụy Châu, Lạc Châu, Biện Châu, Kỵ Châu, Hứa Châu, Thẩm Châu, Lan Châu, Lương Châu, Lợi Châu, Dự Châu, Hiển Châu, Tào Châu, An Châu, Đặng Châu, Tần Châu, Vệ Châu, Lạc Châu, Hoài Châu, Thiểm Châu, Lạc Châu, Trịnh Châu.
Từ thời Đông Hán giáo pháp dần truyền đến Nam Ngô, các điềm lành ứng hiện rất nhiều, các sách ghi chép khác nhau.
Nay y theo lời kể lược nêu vài việc: Tượng vẽ Đức Thích Ca ở Lạc dương thời Đông Hán. Tượng vàng xuất hiện ở Kiến Nghiệp thời Nam Ngô. Tượng đá nổi trên sông ở quận Ngô đời Tây Tấn. Tượng vàng bảy nước ở Thái Sơn thời Tây Tấn.
Tượng vàng xuất hiện ở Dương Đô đời Đông Tấn. Tượng vàng đi trên núi ở Tương Dương thời Đông Tấn. Tượng vàng giáng hạ ở Kinh Châu thời Đông Tấn. Tượng vàng hiện trên sông ở Ngô Hưng đời Đông Tấn. Tượng gỗ thơm ở Cối Kê đời Đông Tấn.
Tượng vàng truyền chân ở quận Ngô đời Đông Tấn. Tượng vàng hiện trên đất ở Đông Dịch đời Đông Tấn. Tượng Thái Tử tư duy ở Từ Châu đời Đông Tấn. Tượng Văn Thù bằng vàng ở Lô Sơn đời Đông Tấn. Tượng đá hiện trên núi ở Lương Châu đời Nguyên Ngụy.
***