Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO CẢM THÔNG LỤC - PHẦN BỐN

TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO

CẢM THÔNG LỤC

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Đạo Tuyên, Đời Đường
 

PHẦN BỐN
 

Tượng đất ở ngọn Vương Nam, Hà Nam, đời Bắc Lương. Tượng đá cao trượng sáu ở Thơ Cự đời Bắc Lương. Tượng Văn thù bằng vàng ở Đô thành đời Tống. Tượng đồng ở Đông Dương đời Tống. Tượng vàng xuất phát ra ánh sáng ở Giang Lăng đời Tống.

Tượng vàng hiện ở Bồ Trung đời Tống. Tượng vàng ở Minh Trạch, Giang Lăng đời Tống. Tượng vẽ trên vách ở Kinh Châu đời Tống. Tượng vàng ở Giang Lăng đời Tống. Tượng đá ở Phiên Ngung gặp lửa thì nhẹ ở đời Tề. Tượng vàng ra mồ hôi ở Bành Thành đời Tề. Tượng Quán Thế Âm bằng vàng ở Dương Đô đời Tề. Tượng Chiên đàn của Vua Ưu Điền hiện ở Kinh Châu đời Lương. Tượng vàng Chùa Quang trạch ở Dương Đô đời Lương.

Tượng bạc đời Lương Cao Tổ. Kinh Cao Vương Tượng Quán Thế Âm bằng vàng ở Định Châu đời Nguyên Ngụy. Tượng ở điện Trùng Vân bay vào biển đời Trần. Tượng đá Chùa Linh thạch ở Tấn Châu đời Chu. Tượng đá ở Bắc Sơn, Nghi Châu đời Chu.

Tượng đi Hoa Nghiêm ở Hiện Sơn, Tương Châu đời Chu. Tượng dời Chùa Hưng hoàng bị đốt ở Tương Châu đời Tùy. Thích Minh dâng năm mươi tượng Bồ Tát vào đời Tùy. Tượng bốn mặt ở Chùa Sa Hà, Kinh Châu đời Tùy. Tượng đá Chùa Nhật nghiêm ở Kinh Đô nhà Tùy. Tượng đá ở Phường Châu đời Đường. Bia đá chữ Phật ở Lương Châu đời Đường. Vết chân Phật ở Chùa Tương Tư, thuộc Du Châu đời Đường.

Tượng từ Vũ Châu dời đến Đàm Châu đời Đường. Tượng vàng ở Lam Điền, Ung Châu đời Đường. Tượng vàng ở huyện Hộ Ung Châu đời Đường. Tượng phát ra ánh sáng ở Thẩm Châu đời Đường. Tượng phát tiếng ở núi Ngũ Đài, Đại Châu đời Đường. Tượng hiện ở núi Liên Khẩu đời Đường.

Theo Nam Tề Vương Diễm Minh Tường ký: Hán Minh đế nằm mộng thấy vị thần cao gần hai trượng, màu vàng, quanh cổ có vầng ánh sáng, Vua hỏi các quan.

Có vị thưa: Ở phương Tây có vị thần được tôn là Phật. Người mà Bệ Hạ mộng thấy chắc là người này. Vua sai sứ đến Thiên Trúc thỉnh Kinh Tượng, tất cả Vua quan đều kính trọng.

Ban đầu các sứ giả thỉnh được hai Pháp Sư, thấy tượng Đức Thích Ca do Vua Ưu Điền cho làm, Vua Minh đế cho họa sĩ vẽ lại thành nhiều bức để thờ cúng tại đài Thanh lương, Nam cung và Thọ Lăng ở Cao Dương lại cho vẽ tượng ngàn xe muôn ngựa vây quanh tháp ba vòng có nói như trong truyện.

Đời Ngô, người ta tìm thấy một pho tượng bằng vàng ở sau khu vườn đất Kiến Nghiệp. Tìm hiểu mới biết đo là tượng do Vua A Dục làm vào đầu đời Chu để trấn ở Giang phủ.

Vì sao?

Vì đời Tần, Hán, Ngụy ở đây chưa có Pháp Phật, làm sao có tượng?

Tôn Hạo thấy tượng không kính tin, đem bỏ ở nhà xí.

Hôm mùng tám tháng tư, Tôn Hạo đến nhà xí, đùa rằng: Hôm nay là ngày tắm Phật, rồi tiểu lên tượng. Ngay lập tức Trời đất tối tăm, Tôn Hạo đau la, quan thái sử xem bói, nói đã phạm tới bậc đại thần, rồi cầu cúng khắp nơi nhưng không có hiệu quả.

Trong số cung nữ, có người tin Phật nên nói: Phật là vị thần lớn, Bệ Hạ làm ô uế, nay hãy sám tội. Tôn Hạo làm theo, lập tức khỏi bệnh, liền cho người đến thỉnh Sa Môn Khương Tăng Hội vào cung, dùng hương thơm tẩy tịnh, sửa sang lại rồi đưa về thờ tại Chùa Kiến sơ.

Niên hiệu Kiến Hưng năm thứ nhất thời Vua Mẫn Đế đời Tây Tấn, một người chài lưới sống tại Hộ Độc, Trùng Giang, huyện Ngô, quận Ngô thấy trên mặt biển có hai người đi lại, người làng chài cho là thần biển nên cầu cúng, sóng gió nổi lên, thầy cúng sợ hãi bỏ về.

Lại có Đạo Sĩ cho là thiên Sư nên ra cầu cúng, sóng gió vẫn như trước. Một cư sĩ tin Phật cho đó là Phật giáng thần, liền cùng các ni ở Chùa Đông Vân và các cư sĩ khác thiết lễ ở cửa biển để thỉnh, sóng gió yên lặng. Theo sóng biển hai tượng đá dần dần trôi vào bờ, mọi người đến nâng tượng nhưng nâng không nổi.

Họ lại cầu thỉnh thì nâng về được. Một Đại Sư ở Chùa Thông Huyền xem biết đó là tượng Tôn Giả Duy vệ và Ca Diếp, nhưng không biết có từ thời nào, mọi người định đặt tượng lên tháp tòa nhưng không nâng nổi, họ lại cầu cúng mới nâng lên được. Từ đó quan dân Quy Y rất đông. Sa Môn Thích Pháp Uyên người ở Tây Vực y cứ theo Kinh truyện biết đó là hai tượng và tháp mà Vua A Dục đặt ở phương Đông, ai đến lễ bái sẽ trừ được tội lỗi.

Theo Biệt Truyện: Mười hai vị Sa Môn ở Thiên Trúc đưa tượng đến quận này, tượng đứng trên nước không chìm, không lay. Các Sa Môn liền tâu lên vua, Vua cho phép để lại đó, sau công chúa nghe được, cho người đến Chùa Thông Huyền để vẽ lại.

Tượng ở Chùa Lãng công hang Kim Dư, núi Thái đời Tây Tấn. Xưa khi đất Trung Nguyên gặp nạn, Vĩnh Gia mất ngôi. Sa Môn Thích Tăng Lãng họ Lý, người đất Ký, đi Tây Vực trở về, cùng hai Sa Môn nữa đến Đông Nhạc, thấy trên đỉnh phía Tây Bắc có mây che, mọi người đều cho là lạ.

Thời ấy không có vua, anh hùng nổi lên khắp nơi, Tần, Tống, Yên, Triệu đều làm việc phước, bảy nước Cao Lê, Hồ, Nữ, Ngô… tặng tượng đồng mạ vàng để thờ. Ngôi Chùa ấy đến nay đã gần ba trăm năm mươi năm mà cấu trúc của Chùa Tháp vẫn còn như xưa. Đời Tùy đổi thành đạo tràng Thần Thông.

Vào niên hiệu Hàm Hòa Vua Thành đế đời Đông Tấn, Đan Dương Đoãn Cao Ly vào cung trở về thấy ở bãi cát cầu Trường hầu có ánh sáng lạ, liền sai người tìm, quả nhiên thấy một pho tượng vàng. Họ Cao xuống xe đưa tượng về đến Trường Can thì xe không đi nữa. Do đó đặt tượng tại Chùa Trường Can, dân chúng đến Chùa bái rất đông. Một người chài lưới ở huyện Lâm Hải thấy hoa sen đồng nổi trên nước, đem về dâng lên Chùa thì rất khớp với tượng kia.

Năm vị Tăng Tây Vực đến nhà họ Cao, bảo rằng: Xưa có pho tượng do Vua A Dục làm đưa về phương Đông, đến đất Nghiệp thì gặp loạn nên để ở bến sông. Nay nghe ông tìm được muốn đến lễ bái, họ Cao liền đưa họ về Chùa. Thấy tượng, năm vị Tăng đều khóc, tượng liền phát ra ánh sáng soi sáng cả điện.

Niên hiệu Hàm An thứ nhất, Đổng Tông, người tìm Châu ở Hợp Phố thấy trên biển có ánh sáng, tìm rõ mới biết là ánh sáng Phật, Vua nghe tin liền ban cho pho tượng, hơn bốn mươi năm có rất nhiều chuyện lạ về pho tượng. Trên đài sen của pho tượng có chữ Phạm, Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, biết là của công chúa thứ tư em Vua A Dục tạo ra.

Sa Môn Tuệ Toại định mô phỏng nhưng Tăng Chúng sợ làm tổn hại tượng, Sa Môn nói: Nếu làm được thì tượng phát ra ánh sáng, xoay về hướng Đông. Sa Môn thành kính khẩn cầu, nửa đêm nghe tiếng lạ, mọi người đến xem thì thấy đúng như lời, lúc đó Chư Tăng mới cho mô phỏng, liền làm mấy mươi pho tượng để truyền bá. Niên hiệu Vĩnh Định thứ hai đời Trần, Vương Lâm dấy binh.

Vũ đế cho đem quân đánh phạt. Trước khi đi mọi người thấy tượng Phật lung lay. Quân chưa đánh mà bọn Vương Lâm đều bỏ chạy. Niên hiệu Thiên Gia, phía Đông nam có binh biến, Vua đến trước tượng cầu nguyện, ánh sáng phát ra, quân lính đều bỏ về.

Từ Tấn đến Trần, năm đời Vua đều tôn kính. Hạn hán, lụt lội đều đến trước tượng cầu nguyện thì mọi tai ương đều mất. Niên hiệu Trinh Minh năm thứ hai, pho tượng tự nhiên xoay về phương Tây. Vua nghe được liền chay tịnh cầu cúng. Tượng vốn có mão bảy báu, Vua cho trang sức thêm Châu ngọc và mũ gấm.

Sau đó mũ báu bị treo lên tay, mũ gấm vẫn ở trên đầu tượng, Vua liền đốt hương khấn: Nếu trong nước có điều chẳng lành thì xin cởi mão chỉ tội. Vua liền đặt mão lên đầu, hôm sau mão lại treo lên tay. Vua quan đều biến sắc. Sau nhà Tùy diệt nhà Trần. Vua Tùy nghe tin cho đưa tượng vào cung để cúng dường. Vua thường đứng hầu bên tượng.

Sau hạ chiếu: Trẫm tuổi cao không thể đứng lâu, hữu ty hãy làm pho tượng ngồi như cũ rồi đưa về Chùa Hưng Thiện. Lúc đầu họ để tượng quay về phương Bắc, sáng hôm sau thì thấy tượng quay về hướng Nam. Họ lại thử thì y như trước, mọi người đều sám hối tội lỗi.

Ngày mùng tám tháng tư niên hiệu Ninh Khang năm thứ ba thời Vua Hiếu Vũ đời Đông Tấn, Sa Môn Thích Đạo An Chùa Đàn khê, tương dương người nổi tiếng về hạnh đức tài trí tạo pho tượng Phật Vô Lượng Thọ bằng đồng cao một trượng sáu, đến cuối mùa đông năm sau thì hoàn tất.

Đến thời thứ sử Ung Châu Hoằng Khôi đến trấn ở đó, đang đêm tượng Phật bỗng đi về phương Tây, để lại dấu trên đá, dân chúng kinh sợ đón rước về nơi cũ, tượng lại đứng trước cổng Chùa, thứ sử liền đổi tên Chùa là Tượng vàng.

Mùng tám tháng tư niên hiệu Phổ Thông năm thứ ba đời Lương, Vua sai đúc tượng cao năm thước chín tấc, rộng chín thước tám tấc, đúc xong đưa về thờ, còn làm bia ở dưới tượng. Về sau Chu Vũ diệt pháp, niên hiệu Kiến Đức năm thứ ba, Vương Khang làm thứ sử Tương Châu, phó tướng Trưởng Tôn Triết không tin Phật Pháp nên khi nghe nói tượng linh ứng thì muốn phá hủy, dân chúng đạo tục trong ấp đều than trách.

Triết cả giận sai một trăm người buộc dây vào cổ tượng để kéo đổ, nhưng tượng không hề lung lay, Triết càng giận Tăng thêm số người lên đến năm trăm, tượng mới bị đổ, làm rung chuyển cả đất Trời. Mọi người lo sợ, riêng Triết thì vui thích, cho người về báo lại thứ sử. Giữa đường người ấy bị ngã ngựa, không cử động được, đến tối thì chết.

Lúc sắp phá tượng, mọi người thấy trong lớp y dưới nách tượng có ghi: Niên hiệu Thái Nguyên năm thứ mười chín đời Tấn, Tỳ Kheo Đạo An đúc pho tượng cao một trượng sáu ở Tương Dương, tượng này hơn một trăm tám mươi năm sau sẽ bị hủy.

Sau người ta tính ra thì ngày tháng rất đúng. Dấu chân in trên đá ngày nào nay vẫn còn. Cuối đời Tùy, Đậu Lư Bảo chiếm cứ một vùng. Pháp Sư Hiến Chùa Khải pháp, khuyên họ Đậu về đầu hàng nhà Đường, họ Đậu không nghe. Kinh Phụ phát binh đánh Tương Châu, họ Đậu cố thủ, thành không bị đánh úp. Sau mới biết Pháp Sư Hiến bị giết.

Trước lúc chết Pháp Sư nói với đệ tử Tô Phú Lũ: Ta và cha con thấy tượng bị phá, từ đó không ai làm lại, sau khi ta chết con hãy làm lại. Đến niên hiệu Vũ Đức năm thứ tư, quan quân vây đánh, họ Đậu đầu hàng, mới tiếc là không nghe lời Pháp Sư, đã giết oan người tốt.

Sau đất nước yên bình, Tô Phú Lũ liền làm tượng theo lời thầy dặn, nhưng không biết hình tướng ra sao. Một đêm, họ Tô nằm mộng thấy một vị Bà La Môn đến vẽ hình tướng của được. Họ Tô lại y theo bức vẽ xưa để làm tượng.

Lúc làm tượng mây vần, mưa hoa. Họ Tô lại làm thêm tượng Đức Di Lặc bằng đồng cao hơn một trượng. Sau mơ thấy Pháp Sư bảo làm thân tượng, họ Tô liền làm một pho tượng cao năm mươi chín thước ở Chùa Phàm vân. Xưa, Tần Hiếu Vương nghe việc lạ của tượng Phật do Đạo An làm nên cho người vẽ lại, rồi làm một pho tượng đặt tại Chùa Diên hưng. Đêm đầu đúc tượng Trời cũng rải hoa, nhạc Trời trỗi lên. Pho tượng đó hiện vẫn còn.

Năm Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Hòa năm thứ sáu thời Mục Đế nhà Đông Tấn, đêm mùng tám tháng hai, người ta thấy một pho tượng ở phía Bắc thành Kinh Châu, dài bảy thước năm tấc, tính cả đế là một trượng sáu, không ai biết tượng có từ đâu.

Đầu niên hiệu Vĩnh Hòa năm thứ năm, một thương gia ở Quảng Châu, chất hàng lên thuyền nhưng lại thấy thuyền vẫn nhẹ. Đang đêm có người lên thuyền rồi biến mất, thuyền lại nặng không chở thêm được. Tuy thấy lạ nhưng không biết vì sao. Khi đến bến, thì thấy người ấy lên bờ, mất hút, thuyền lại nhẹ như trước. Khi được tượng Chư Tăng khắp nơi đều kéo đến để thỉnh.

Niên hiệu Vĩnh Hòa năm thứ hai, Thái Thú Giang lăng định sửa nhà thành Chùa, do nghe Pháp Sư Đạo An đến tương xuyên nên mời Pháp Sư đến xem hộ, Pháp Sư nói với Đàm Dực: Ở đây dân quan bắt đầu có lòng tin Phật, ông nên hành đạo.

Dực vâng lời, thường khen rằng: Tượng Chùa A Dục Vương tùy lòng thành ứng hiện.

Khi nghe ở Kinh Châu có tượng, Đàm Dực vui mừng nói: Phải đón bằng tâm, không thể dùng sức. Quả đúng như lời của Đàm Dực, tượng được thỉnh về Chùa. Đến niên hiệu Hàm An năm thứ hai mới đúc đế tượng.

Đến niên hiệu Thái Nguyên, Vua Hiếu Vũ đế đời Tấn, Ân Trọng làm thứ sử, đang đêm tịnh dưỡng đi ra cửa Tây, hỏi thì không đáp, có người lấy giáo đâm, sau mới biết là tượng. Ngay chỗ giáo đâm có bản văn. Thiền Sư Tăng Già Nan Đà người ở Kế Tân đến Chùa lạy Phật, hồi lâu Thiền Sư thở dài.

Đàm Dực hỏi nguyên nhân, Thiền Sư đáp: Ở Thiên Trúc bị mất, sao giáng thần đến đất này. Tính năm tháng thì rất hợp.

Sau lưng tượng có bản văn bằng tiếng Phạm: Vua A Dục tạo. Đàm Dực thành tâm niệm thì thấy ứng nghiệm. Sau đó ánh sáng biến mất, Đàm Dực biết sắp mất, sau một tuần thì mất. Về sau, vị Tăng Nghĩ Quang lại đúc tượng. Thời Hiếu Vũ nhà Tống tượng lại phát ra ánh sáng, Phật Pháp được hưng thịnh ở Giang Đông. Cuối niên hiệu Thái Thỉ thời Tống Minh Đế, tượng Phật rơi lệ, Vua Minh Đế băng hà.

Sau đó binh biến nổi lên, quan thứ sử Kinh Châu không tin pháp, sa thải Tăng Ni, mấy trăm vị ở Chùa Trường sa phải hoàn tục, già trẻ trong làng đều buồn khóc, tượng Phật ra mồ hôi suốt năm ngày, hỏi nguyên nhân, Pháp Sư Huyền Sướng nói: Phật Thánh không xa, hiện hữu khắp nơi.

Vì đàn việt không tin nên hiện điềm lành này.

***