Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm
TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO
CẢM THÔNG LỤC
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Đạo Tuyên, Đời Đường
PHẦN MỘT
Lợi ích của Tam Bảo đã có từ lâu nhưng còn sự tranh chấp kính tin, hủy báng cho nên có duyên cảm ứng. Từ đời Hán đến đời Đường hơn sáu trăm năm, tướng linh hiển được ghi chép khá nhiều, thần hóa khắp nơi, tùy cơ hiển hiện, ánh sáng ẩn hiển, khai hóa một thời, ảnh tượng bao dung, trần tích muôn đời, hoặc thấy ở quá khứ, hoặc hiển ở tương lai, soi sáng đạo tục, khởi phát lòng tin.
Xin tóm thâu thành ba quyển: Xá Lợi Hiện Tháp, Linh Tượng, Chùa Thánh Kinh Lành Thần Tăng.
Xá Lợi hiển Tháp.
Ngày xưa, có lần Phật đi khất thực, một đứa bé đang chơi cát bên đường, thấy Phật đứa bé liền lấy cát làm cơm dâng cúng Phật. Phật nhận cát, bảo thị giả đem về trét lên vách phòng của Phật.
Phật thọ ký: Sau khi ta diệt độ một trăm năm, đứa bé này sẽ làm Vua ở Diêm Phù Đề, quỷ thần trong vòng bốn mươi dặm đất Vua đều thuần phục. Vua cho lấy Xá Lợi trong tám ngôi Tháp, sai quỷ thần xây tám vạn bốn ngàn ngôi Tháp trong một ngày đêm có nói trong Kinh, không cần ghi lại. Xá Lợi là tiếng Phạm, Hán dịch là thân cốt.
Một ngôi Tháp ở Cối Kê đời Tây Tấn, một Tháp ở Kim Lăng đời Đông Tấn, một ngôi Tháp ở Đông thành, Thanh Châu, Thạch triệu, một ngôi Tháp ở Hà đông đời Diêu Tần, một ngôi Tháp ở phía Tây núi Kỳ Sơn, Kỳ Châu nhà Chu, một ngôi Tháp ở phía Đông thành Qua Châu nhà Chu.
Một ngôi Tháp ở Chùa Đại Thừa trong thành Sa Châu nhà Chu, một ngôi Tháp ở phía Tây cố đô Lạc Châu nhà Chu, một ngôi Tháp ở huyện Cô Tang, Lương Châu nhà Chu, một ngôi Tháp ở huyện San Đan, Cam Châu nhà Chu, một ngôi Tháp ở phía Nam núi Tiêu Sơn, Tấn Châu nhà Chu.
Một ngôi Tháp ở phía Đông thành Đại Châu nhà Đề, một ngôi Tháp ở Chùa Phúc Cảm, Ích Châu nhà Tùy, một ngôi Tháp ở huyện Tấn nguyên, Ích Châu nhà Tùy, một ngôi Tháp ở Chùa Khởi Hóa, Trịnh Châu nhà Tùy, một ngôi Tháp ở Chùa Diệu Lạc, Hoài Châu nhà Tùy, một ngôi Tháp ở huyện Du Xã, Tịnh Châu nhà Tùy, một ngôi Tháp ở huyện Tâm Trung, Ngụy Châu đời Tùy, một ngôi Tháp ở Sơn Xuyên, Thần Châu.
Tháp thứ nhất: Hiện ở huyện Lưu cách Việt Châu ba trăm bảy mươi dặm về phía Đông, cách biển bốn mươi dặm về phía Đông, bảy mươi dặm về phía Đông Nam, cách thôn Ngô hai mươi lăm dặm về phía Nam. Tương truyền niên hiệu Đại Khang năm thứ hai đời Tấn, ở Tịnh Châu có người tên Lưu Tát Hà, sinh sống bằng nghề săn bắn.
Họ Lưu bị bệnh nặng, rồi chết, mơ thấy một vị Tăng Ấn Độ bảo: Tội ngươi rất nặng, phải đọa địa ngục, nhưng thương ngươi ngu si không biết nên thả cho về.
Hiện ở Cối kê, thuộc Đan dương, có ngôi Tháp cổ và tượng đá nổi do Vua A Dục xây, ngươi hãy đến đó lễ bái sám hối để thoát khổ. Sau khi thức dậy, họ Lưu xin xuất gia học đạo, bỏ nghề săn bắn, pháp hiệu là Tuệ Đạt. Theo lời dặn Tuệ Đạt đi tìm nhưng không thấy nên rất buồn khổ. Đang đêm nghe tiếng chuông vang, Tuệ Đạt lần theo, chặt gỗ làm am tu.
Ba hôm sau, bỗng nhiên có ngôi Tháp báu chứa Xá Lợi nổi lên. Tướng Tháp như đá nhưng không phải đá, Tháp cao một thước bốn tấc, vuông bảy tấc, có năm tầng như Tháp ở Vu Điền, xung quanh treo chuông Trời, ở giữa có khánh đồng. Tiếng chuông vang tức là tiếng khánh này.
Thân Tháp là hình tượng của Phật, Thánh Tăng, Bồ Tát thu nhỏ, nếu nhìn kỹ thì có cả trăm ngàn tượng đủ cả mặt mũi tay chân. Đó là thần tích, con người không thể làm được. Hiện nay, Tháp gỗ ở ấp Thăng tuần, ai thấy Tháp đều cúi lạy, niệm Phật. Xá Lợi ở tầng dưới của Tháp. Bên trái Tháp có nhiều cổ tích, ở huyện Chư kí, do bốn huyện hợp lại mà thành. Cách một trăm lẻ bảy dặm về phía Đông bắc có thành Cổ việt, thành rộng ba dặm.
Địa ký chép: Giữa thời nhà Việt xây Kinh Đô ở đó, vẫn còn nền đất. Ở đó thường có tiếng chuông vang lên vào ngày cuối Tháng, dân chúng rất tôn kính. Cách huyện Chư Ký một trăm dặm về phía Tây Bắc, làng Tân nghĩa có Hứa Công Nham.
Theo địa chí: Đời Tấn, Cao Dương Hứa Tuân tự Huyền Độ kết bạn với Sa Môn Chi Đạo Lâm. Họ thường ngao du sơn thủy mà đến ở đây. Vua mời không đến, sau đến Kiến Nghiệp. Lưu Thán làm Đan Dương Doãn, nổi tiếng ở đương thời, tạo tượng suốt mấy hôm.
Khen rằng: Nay thấy Hứa Công, khiến ta thành kẻ khinh bạc. Sau lập am ở đó, đến đời Lương am vẫn còn.
Lưu Doãn thường đến am này, nói: Gió mát trăng thanh, cùng nhớ Huyền Độ. Cách huyện Cú chương một trăm ba mươi dặm về phía Tây Nam, có các núi Thiên Thai, Xích Thành, là núi nổi tiếng trong thiên hạ. Cách phía Đông bắc một trăm bốn mươi dặm, có đường Sa Đường, rộng mấy trượng, ra tận đến biển.
Theo Đạo Xí đó là đường Tần Hoàng đuổi tiên sinh An Kỳ đến chỗ nước sâu mới thôi. Thành cổ huyện Lưu cách Cú Chương hơn ba trăm dặm về phía Đông, là đô thành của Mân Việt. Tháp ấy ở làng Hiếu Nghĩa.
Theo Địa chí: Vua A Dục xây tám vạn bốn ngàn ngôi Tháp, đây là một trong số những ngôi Tháp đó. Sau, quan Cối Kê nhà Tống sửa chữa lại, trên núi có ao đá rộng ba thước, nước trong vắt, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Theo Dư địa chí thì A Dục là đệ tử Đức Thích Ca có khả năng sai khiến quỷ thần xây tám vạn bốn ngàn Tháp thờ Xá Lợi Phật trong một ngày đêm.
Theo Sa Môn Trúc Tuệ Viễn, phương Đông có hai Tháp: Một ở đây, một ở Bành Việt. Giờ lại có một Tháp nữa, thành ba. Đây là y cứ chính xác.
Theo Cối Kê ký: Thừa tướng Vương Đạo đời Đông Tấn nói: Lúc mới qua sông, một đạo nhân dung mạo bất phàm nói từ biển vào, đã cùng Vua A Dục xây Tháp Xá Lợi trấn ở biển này. Vua A Dục và các đạo nhân xây Tháp bay ra biển, các đệ tử xin theo biến thành đá đen, đá có hình người, Tháp ấy ở núi Thiết Vi.
Thái thú Chử Phủ Quân nói: Theo những người đi biển kể lại trên đảo có đá đen hình tu sĩ, và y phục. Thái Thú sai đào mang về xem, vân đá y như nếp áo Ca Sa. Biển đông không xa, đảo là nơi Vua Từ Yển lánh nạn, vẫn còn nền cung thành. Xưa Chu Mục Vương tuần hành về phía Tây, đến núi Côn Lôn, nghe thấy Yển Vương liền đuổi theo, Yển Vương lẫn tránh.
Tấn Tôn Ấn tạo phản, dùng yêu thuật mê hoặc dân chúng, xây thành tự vệ, nay thành vẫn còn. Niên hiệu Phổ Thông năm thứ ba đời nhà Lương, vì trọng cổ tích, Vua cho xây Chùa lấy tên là A Dục Vương. Xung quanh Chùa là núi sông rừng suối, là nơi hưởng nhàn, có bia ghi lại. Cách ba mươi lăm dặm về phía Đông Nam, trên núi có dấu chân phải của Phật, cách hai dặm về phía Đông Bắc trên núi có dấu chân trái của Phật.
Cách hai dặm về phía Bắc của Chùa có giếng Thánh, vốn là ao cá, người đời gọi đó là Bồ Tát cá. Người đến lễ bái, cá nổi lên. Một hôm bọn cướp giả đến lễ bái, cá nổi lên, chúng liền đâm, cắt đứt đuôi cá, từ đó cá không hiện lên nữa. Ai dốc lòng cầu khẩn thì nổi bọt mà thôi. Một vị Tăng đến lễ bái, vì thiếu thức ăn nên khó bảo toàn, một bà lão què chân đến dâng thức ăn rồi biến mất, đó là con cá biến hiện. Những việc linh nghiệm thì quá nhiều, chỉ kể vài câu chuyện.
Niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười chín, Pháp Sư Mẫn Đạo cao đức trọng, đồ chúng theo học rất đông, Pháp Sư đến Chùa này giảng Kinh suốt một tháng, người nghe rất nhiều. Đang đêm có người thấy tu sĩ Ấn Độ Kinh Hành quanh Tháp nên thưa lại với chư Tăng, nhưng việc này chẳng có gì lạ, xưa nay thường xảy ra.
Niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ nhất, ẩn sĩ Trương Thái Huyền đến Chùa tụng Kinh, Sa Môn Trí Duyệt ngủ chung với Thái Huyền, đang đêm nghe tiếng tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã rất rõ, hai người lắng nghe. Đến khi nghe tụng xong, hai người đi tìm, nhưng không thấy ai, mới biết là thần trao.
Tháp thứ hai: ở huyện Giang Ninh, Nhuận Châu. Tháp ở trong Chùa Trường Can phía Đông thành Cổ Việt. Cuối đời Tây Tấn, gọi đất Giang Nam là nước Ngô, trong đất Trường Can có ngôi Tháp cổ do Vua A Dục xây. Khi Tôn Lâm chấp chính phế bỏ Chùa Phật, Tháp bị cháy, Xá Lợi ẩn trong đất.
Sau khi nước Ngô bình định, chư Tăng xây Tháp ba tầng trên nền Tháp cũ, nhưng không đúng, vì không ai biết. Niên hiệu Hàm An năm thứ hai đời Đông Tấn, Giản Văn xây Tháp ba tầng, Hiếu Vũ treo hình bánh xe vàng lên đỉnh Tháp.
Theo Minh Tường Ký: Giản Văn định xây nhưng chưa xây xong thì mất. Nghĩa là Tháp này được xây từ thời Giản Văn đến thời Hiếu Vũ mới xong. Sa Môn Lưu Tuệ Đạt y cứ Tăng Truyện đi tìm Tháp nhưng không biết nơi nào. Sa Môn lên thành Việt nhìn, thấy ở Trường Can có khí lạ, liền đến ở đó.
Đang đêm thấy ánh sáng soi chiếu, Sa Môn theo dấu vết tìm kiếm, đào sâu xuống đất khoảng vài trượng, thấy ba tấm bia dài sáu thước, bia giữa rỗng bên trong, có ba hộp sắt, vàng, bạc, trong hộp vàng có ba hạt Xá Lợi và một móng tay, một sợi tóc kéo dài mấy thước, xoắn hình ốc, đó là vật do Vua A Dục chôn cất. Sa Môn liền xây một Tháp mới, Hiếu Vũ xây thêm thành ba tầng. Vì thế trong Chùa có hai ngôi Tháp, phía Tây là Tháp của Vua A Dục.
Đan Vương Doãn Vương Nhã dâng năm đấu gạo, cho là tà đạo nên hạ chiếu phá hủy Chùa Tháp. Nhã đến xem, Sa Môn đặt Xá Lợi trong bình bát, đến trước mặt Nhã, Sa Môn lật úp bát, Xá Lợi không rơi ra, lại dâng hương cầu Phật hiển linh, thấy vậy Nhã tuy không thành tâm nhưng từ đó về sau không còn hủy báng pháp Phật nữa.
Đến đời Lương, nghe nói pháp Vua lập pháp hội vô ngại, hạ chiếu rằng: Thiên hạ hưng thịnh theo thời, muôn vật sinh diệt, nhị nghi không thể luôn che chở nên thay đổi theo ngày tháng năm rồi dân chúng đói khát vì mất mùa, xét rõ nguồn gốc là do trẫm, cần phải đổi mới.
Kinh Dịch nêu: Tùy thời nghĩa lớn. Nay Xá Lợi Phật hiện ở đời, thật là việc ít có, khó tưởng tượng. Trẫm xin lập pháp hội ở Chùa A Dục để dân quan đều vui như đói được ăn, người thân lâu ngày được gặp, u hiển trở về, xa gần kính ngưỡng, trai gái tập trung, ban bố công đức. Tất cả mọi việc, tội nặng tội nhẹ đều được ân xá.
Nay ở đất Giang ninh còn nền Tháp ba tầng và Chùa Phật, xung quanh hoang rậm, không ai đến được. Những rắn rít ở nền Tháp đều bị chết, người ít, cỏ rậm, thú dữ nhiều, làm ô uế Tháp Phật. Cách Vĩnh An bảy, tám dặm có Chùa Nhật Nghiêm, do Vua Tùy Dạng Đế xây dựng, có Tháp nhưng chưa có Xá Lợi, nên đem Xá Lợi ở Tháp Trường can về Tháp Chùa Nhật Nghiêm, bên trên có khắc bia.
Lúc ấy hơn năm mươi vị đại đức ở Giang Nam đều cho rằng đó không phải là Xá Lợi mà Vua A Dục đặt. Xá Lợi mà A Dục đặt là ở Chùa Trường can, việc này chưa biết đúng sai thế nào. Đến niên hiệu Vũ Đức năm thứ bảy Chùa Nhật nghiêm bị phế, Tăng Chúng đi mất, Chùa do quan giữ, nhưng Tháp Xá Lợi không ai trông coi.
Mười vị Sư dời đến Sùng Nghĩa, đào thấy ba hạt xálợi to bằng hạt thóc màu trắng, một móng tay ngã màu vàng, mấy mươi sợi tóc, lại có lưu li và các Châu báu khác, tất cả được đựng trong hộp bằng đồng. Móng tay ấy nhỏ giống người thường nên nghi không phải của Phật. Vả lại tất cả Xá Lợi ở Tháp Chùa Sùng Nghĩa vốn được đựng trong hộp bằng đá.
Mọi người đều cho đó là móng tóc của Lương Vũ Đế. Như vậy Xá Lợi thật có nghi vấn. Nhưng Tháp cổ ở Giang nam vẫn còn những thần tích. Tuy có hai thuyết khác nhau nhưng vì ngày tháng thay đổi người đời sau khó lường. Xin trình bày để dễ quyết đoán.
Tháp thứ ba: Các đời Chu Tần không biết ở đâu, đời Thạch Triệu, Tôn Giả Phật Đồ Trừng đến đất Nghiệp, có người họ Hổ muốn xây Chùa Tháp.
Tôn Giả bảo: Trong thành Lâm truy có Chùa A Dục Vương, trong đó vẫn còn tượng Phật, bên trên có đá, có thể tìm được.
Hổ sai người tìm quả thấy trong lòng đất khoảng hai mươi trượng, vì muốn biết nơi xưa, Tuệ Đạt ứng mộng bảo rằng: Lạc Dương, Lâm Truy, Kiến Nghiệp, huyện Lưu, Thành Đô đều có Tháp do Vua A Dục xây. Người lạy Tháp này không đọa địa ngục, đó là việc thật.
Tháp thứ tư: Đời Hậu Tần, chú của Diêu Lược làm Vua nhà Tấn, trấn giữ Hà Đông.
Tương truyền: Tháp cổ Bồ Phản do Vua A Dục xây dựng, thường phát ra ánh sáng. Khi đào lên, quả thật có Xá Lợi Phật đặt trong hộp bạc trong tráp bằng đá, họ dâng lên vua, Vua đích thân đón rước. Tại Chùa Cứu Khổ, Đông Phản, Bồ Châu, Chư Tăng lập tượng rất lớn nhưng Tháp không còn.
Tháp thứ năm: Cách Vũ Đình Xuyên mười dặm về phía Đông, cách huyện Kỳ Sơn hai mươi dặm về phía Tây, cách sông Vị thủy ba mươi dặm về phía Nam, cách Kỳ Sơn hai mươi dặm về phía Bắc. Còn có tên là núi Mã ngạch, ở phía Bắc núi lớn.
Các phía đều có núi, phía Nam khác phía Bắc nên tên núi là Kỳ Sơn. Cách hơn hai mươi dặm về phía Tây Bắc có suối Phụng Tuyền, nằm trên núi Kỳ Sơn, thời Chu Văn, chim kêu ở đất này, uống nước suối này nên có tên là Phụng Tuyền.
Sau đó chim bay về Hà Trì, nay là quận Hà Trì thuộc Phụng Châu. Về nguồn gốc ngôi Tháp thì Chùa hư Tăng mất, cảnh vật suy tàn, khó biết được. Tháp Bình Nguyên vốn gọi là Chùa A Dục, ở làng Liệu truyền, chính là tên núi phía Bắc.
Từ thời Chu Ngụy trở về trước Chùa có tên là A Dục Vương, Tăng Chúng có hơn năm trăm vị, sau nhà Chu diệt pháp, Chùa chỉ còn hai căn, nhà Tùy đặt tên là Chùa Thành Thật. Niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ năm, Tăng Chúng ít nên bỏ Chùa, về trụ Chùa Bảo xương ở Kinh Đô. Niên hiệu Nghĩa Minh năm thứ hai đời Đường, Sư Phổ Hiền xin xây lại Chùa, thừa tướng cảm kích, đặt tên Chùa Pháp môn.
Đến niên hiệu Vũ Đức năm thứ hai, trải qua bao lần binh biến, Chùa có tám mươi Tăng nhưng chưa có Trụ Trì, Sư Tuệ Nghiệp Chùa Bảo xương xin về đó. Thời gian trôi qua Chùa bị hoang phế, hỏi nguyên nhân mới biết cuối niên hiệu Đại Nghiệp giặc cướp nổi lên, dân chúng không an nên xây thành để giữ.
Đầu đời Đường đốt phá tất cả, Chùa chỉ còn hai căn. Niên hiệu Trinh Quán năm thứ năm, thứ sử Trương Lượng kính tin, đến Chùa lễ bái, dâng sớ về Tháp cổ, được Vua cho phép, Tháp được xây dựng. Tương truyền Tháp này bị đóng cửa suốt ba mươi năm.
Vì muốn gieo giống lành cho mọi người nên giữa niên hiệu Trinh Quán Vua cho mở cửa Tháp. Khi đào Tháp thấy hai bia đá được xây dựng vào thời Chu Ngụy nhưng văn không rõ nên không ghi lại. Mọi người được thấy Xá Lợi, có một người mù nhờ ánh sáng mắt bỗng nổ tung, nhìn thấy mọi vật. Ai nấy đều thấy theo mắt mình, người thấy Xá Lợi màu ngọc trắng, người thấy là màu xanh. Người không thấy thì hỏi ở đâu.
Có một người vì không thấy Xá Lợi nên buồn bã khóc than, mọi người bảo người ấy cố gắng sám hối tội lỗi, người này liền đốt ngón tay để cúng dường, rồi đi quanh Tháp, nhờ tâm chí thành người này thấy được Xá Lợi, vui mừng người ấy làm tắt lửa, rồi không thấy Xá Lợi nữa. Tháng chín niên hiệu Hiển Khánh năm thứ tư, sơn Tăng Trí Tông thấy Tháp xưa cũ nên dâng sớ xin bảo hộ.
*