Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm
TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO
CẢM THÔNG LỤC
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Đạo Tuyên, Đời Đường
PHẦN MƯỜI
Sa Môn nói: Ở núi Bàn chí có ngôi Tháp cổ, ai xây dựng sẽ được phước. Mọi người đào tìm thì thấy có nền liền xây lại, mời Sa Môn Trụ Trì. Một hôm, Sa Môn thọ trai ở nhà thí chủ cách Chùa trăm dặm. Thọ thực xong, Sa Môn xin dầu rồi về Chùa. Sa Môn đi như bay, người đi theo không kịp, Sa Môn bảo họ nắm chéo áo, lát sau họ đã về Chùa.
Niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn Vua cấm người Tấn xuất gia, Để Thế Thường phụng pháp, không sợ pháp nước nên lập tinh xá trong nhà, cúng dường Chư Tăng, Ni. Một hôm có vị Tăng lạ, ăn mặc dơ bẩn đến nhà, họ để lễ bái, sai tôi tớ lấy nước rửa chân, Sa Môn bảo họ để làm, họ để nói là già yếu nên không làm, Sa Môn hiện thân oai đức bay lên hư không, họ để hối hận, Tăng Ni trong nhà đều thấy, mùi thơm vẫn còn phảng phất.
Diêm Công Tắc người đất Triệu, phụng hành Phật Pháp, mất ở ấp Lạc thời Tấn Vũ Đế.
Nhân Chùa Bạch mã có lễ hội, mọi người cúng bái, thấy có một người thân đức oai nghiêm nói: Tôi là Diêm Công Tắc, được sinh về Cực Lạc, hôm nay cùng các Thánh đến nghe Kinh. Vệ Sĩ Độ là cư sĩ cũng rất kính tin Phật, thường cúng dường Chư Tăng. Giữa trưa hôm đó, trong hư không bỗng có một cái bát đựng đầy cơm hạ xuống trước mọi người, ai cũng biết là bát của Công Tắc, số cơm ấy ăn trong bảy ngày. Vệ Sĩ ghi lại việc này.
Gia đình của Thái Tịnh ở Nam Dương đầu đời Đông Tấn rất kính tin Phật Thường, họ thường bố thí cúng dường. Hôm đó thiết trai cúng dường Chư Tăng đi đường. Thấy một vị Tăng ngồi dưới gốc liễu, họ mời vào cúng cơm. Người nhà sớt cơm làm đổ dưới đất.
Vị Tăng bảo: Bát của bần đạo đã đầy. Sa Môn quăng bát lên hư không, mọi người đều thấy rõ, bát lại mất, người ta làm lại cái khác, ngày đêm lễ bái.
Cuối đời Tây Tấn, Trúc Pháp Tấn ở Chùa Khai Độ là người thông minh, lúc nước sắp loạn, Sa Môn vào núi ẩn. Sau người ta thiết trai cúng dường Chư Tăng. Một vị Tăng thân hình tiều tụy lên ngồi ở ghế chủ tọa, Sa Môn đến kéo xuống, ba lần như vậy, vị Tăng biến mất, gió liền nổi lên, Sa Môn hối hận, tự trách mình.
Cuối thời Tây Tấn, Lý Hằng gặp một vị Tăng nói: Phước họa sắp đến, phước trước họa sau, nếu giữ mình thì không bị hại.
Lý Hằng không tin lời, nói: Ta giàu có, lo gì tai họa. Vị Tăng ở nghỉ qua đêm, nhưng đang đêm Lý Hằng thấy giường trống, trên nóc nhà lại có một con chim. Sáng sớm thì lại thấy vị Tăng ở trên giường. Vị Tăng từ biệt, Lý Hằng ra tiễn thì không thấy nữa. Từ đó Lý Hằng tin Phật, sau được bổ làm thái thú Tây Dương và Hạ Lô, giữa niên hiệu Thái Hưng thì bị giết.
Cuối đời Tây Tấn Sa Môn Phật Đồ Trừng đến Trung Nguyên độ sinh. Tuy không học rộng nhưng mỗi lần tranh biện thì các học sĩ đều bị thuyết phục. Vào niên hiệu Vĩnh Gia, Sa Môn đến Lạc dương. Gặp lúc Thạch Lặc đóng quân ở Hà Bắc, giết hại rất nhiều người, Sa Môn khuyên giải nên cứu được vô số người. Thạch Lặc lại hỏi về việc lành dữ, và việc bắt Lưu Diệu Tướng. Sa Môn nói rõ, Thạch Lặc làm theo lời thì quả đúng sự thật.
Ngày tám tháng tư niên hiệu Kiến Bình năm thứ tư, Thạch Lặc đến Chùa lạy Phật, bỗng gió thổi rung chuông, Thạch Lặc hỏi, đại chúng nói: Năm nay nước có nạn lớn. Đến tháng bảy Thạch Lặc chết, Thạch Hổ lên ngôi, càng tôn thờ Phật Pháp.
Sau đó Sa Môn nói với đệ tử: Ta chết trước vua, Vua sẽ bị đọa. Năm Mậu Thân, Thái Tử giết mẹ và em, Hổ tức giận giết cả nhà. Năm sau Hổ chết.
Sa Môn Đạo An họ Vệ, người ở Thường sơn, là đệ tử của Sa Môn Phật Đồ Trừng. Lúc sinh tiền, Sa Môn Phật Đồ Trừng thường đàm đạo với Đạo An. Sau khi thầy mất, Sa Môn lánh nạn ở đất Hán.
Một hôm đến nhà thế tục, Sa Môn gọi tên chủ nhà, chủ nhà kinh sợ hỏi: Trước đây chưa từng quen biết làm sao biết tên tôi?
Sa Môn nói: Trước cổng nhà ông có một cái xe tre đựng được một hộc há không phải là Bách Thăng hay sao?
Hai cây khép lại há không phải là Lâm sao?
Trên cánh tay Sa Môn có một cái sẹo nên người đời gọi là Bồ Tát Ấn Thủ. Xưa, Sa Môn La Thập cũng từng lễ kính.
Một hôm thấy một vị Tăng lạ, Sa Môn lễ bái, nói: Tự xét mình có tội, sao lại được thương tình?
Ông không có tội, hãy chuẩn bị đồ tắm. Sa Môn hỏi nguyên nhân, vị Tăng Bảo sau sẽ rõ. Lúc đó, Sa Môn thấy mười mấy đứa trẻ vào Chùa vui chơi, rồi biến mất. Sa Môn nghe ở nhà tắm có tiếng, ra xem thì thấy khăn ướt, nước hết. Sau họ Phù định làm loạn, Sa Môn khuyên không được nên bị bại ở Hoài Nam. Một hôm, sau giờ ăn sáng, Sa Môn về phòng an nhiên thị tịch, được chôn ở Chùa Ngũ cấp.
Sa Môn Đơn Đạo người ở Khai đôn hoàng, xuất gia sống trên núi năm mươi năm, đi lại như bay, không thích chỗ đông người, thích chỗ thanh vắng. Thời Thạch Hổ, Sa Môn đến đất Nghiệp, chu du khắp nơi, cứu khổ cứu nạn. Sau tịch ở núi La Phù.
Thời Đông Tấn, quan tư không Hà Sung kính tin Phật Pháp, thường thiết lễ cúng dường, ai nấy đều khen ngợi. Lần nọ thiết trai bỗng thấy một vị Tăng quần áo dơ bẩn, đến dự trai diên, họ Hà cũng bất bình. Ăn xong vị Tăng đi ra, quăng bát lên hư không rồi biến mất, mọi người đều nhìn theo, sám hối tội lỗi.
Thời Tấn, đại tư mã Hoàn Ôn về già kính thờ pháp Phật. Một hôm gặp một vị ni Sư từ xa đến, Hoàn Ôn kính tin. Lần nọ, ni Sư tắm, Hoàn Ôn nhìn lén, thấy ni Sư lõa thân, tự lấy dao mổ bụng rút ruột, chặt đứt đầu tay, nhưng khi Sư Ni ra ngoài thân thể lại như cũ. Hoàn Ôn hỏi thì ni Sư từ tạ, biến mất.
Niên hiệu Thái Nguyên năm thứ ba đời Tấn, con trai của Đỗ Nguyện tên Thiên Bảo lên mười tuổi thì chết. Mấy tháng sau, con lợn trong nhà sinh năm con lợn con. Một hôm quan đến, họ Đỗ định giết lợn con.
Vị Tăng bảo: Đừng giết, đó là Thiên Bảo, sao mới trăm ngày mà đã quên rồi. Nói xong vị Tăng biến mất.
Niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, quan thái thú Dực Hương là Phạm Minh sai người đốn gỗ ở núi Lô Sơn. Họ thấy một Sa Môn ngồi trên đỉnh tám núi, lâu sau biến mất trên mây. Từ đó mọi người thường thờ cúng.
Sa Môn Trúc Tăng Lãng tinh nghiêm giới hạnh, thường cùng đồ chúng du hóa khắp nơi.
Một hôm, trên đường đi Sa Môn nói với đồ chúng: Ta nghi Chùa có trộm, khi về quả đúng như lời. Cuối đời Phù Kiên bác bỏ đạo nhân riêng Sa Môn và đệ tử được tôn kính. Chỗ Samôn ở thường có nhiều cọp, y như chó trong nhà, lại có giếng thần hễ người nữ đến nhìn là giếng bị khô. Sa Môn lễ tạ giếng lại đầy nước. Tôn chủ cấp cho hai huyện, bái làm Đông Tề Vương, Ngụy, Tấn đều cung kính, đến nay đã hơn ba trăm năm, tượng Chùa vẫn còn.
Sa Môn Lương Pháp Tướng người ở Hà đông, ở trên núi tu học, làm bạn với chim thú. Điền Thái Sơn có một rương đá đựng vật báu không ai mở được, Sa Môn thử mở ra, thấy vật báu Sa Môn liền bố thí cho dân chúng, Sa Môn thọ chín mươi tuổi.
Sa Môn Bôi Độ không biết từ đâu đến nhưng năm bảy mươi tuổi thì ẩn tu không ai biết. Lần nọ, Sư đến một nhà cư sĩ, thấy có tượng vàng Sư mang tượng đi, người nhà cỡi ngựa đuổi theo nhưng không sao đuổi kịp.
Đến bờ sông, Sa Môn để một cái ly trên sông rồi đứng trên ly, qua bên kia bờ, nên được gọi là Sa Môn Bôi Độ. Sau Sư đến Bành thành hành đạo, mất ở Giang Nam. Ngài La thập bảo là hai vị đã xa nhau mấy trăm năm rồi, sao đến nay mà vẫn chưa gặp.
Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai, có người thiết lễ Phổ Hiền, hơn bốn mươi người dự lễ suốt bảy ngày. Một hôm, thấy có một vị Tăng cỡi ngựa đến đạo tràng lạy Phật, bất chợt lên ngựa biến mất. Ba năm sau cũng đến đạo tràng Phổ Hiền, họ lại thấy có vị Tăng đến lễ Phật rồi biến mất, để lại ánh sáng sáng rực rỡ.
Sa Môn Cầu na bạt ma người Tây Vực, đầu đời Tống, Sư đến Dương Đô hành đạo. Một hôm người ta thiết lễ rải hoa trên tòa để tìm Thánh Tăng, hoa ở tòa của Chư Tăng đều héo riêng hoa trên tòa của Sư không bị héo.
Sau, Sư an tọa thị tịch, mọi người cho là Sư nhập định, nhiều hôm sau họ tìm thấy một bài kệ hơn ba mươi hàng, ghi rằng: Khi đạt quả thứ hai, ban đêm có hơn hai trăm người tập họp, thấy một vật nhiễu quanh kim thân rồi bay về phía Tây Nam.
Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ nhất đời Tống, hai người con gái của nhà nọ chị mười tuổi, em chín tuổi chưa hề biết Kinh pháp. Ngày tám tháng hai năm nọ họ biến mất, ba tháng sáu trở về bảo là gặp Phật. Ngày mười lăm tháng chín lại biến mất, một tuần sau trở về nói đọc được tiếng Phạm.
Ngày mười lăm tháng giêng năm sau lại biến mất, cha mẹ khóc lóc cầu cúng quỷ thần, một tháng sau chúng trở về với hình tướng Tỳ Kheo ni, kể rằng gặp Phật và các ni, bảo mình có túc duyên nên cho xuất gia, đặt tên là Pháp Duyên và Pháp Thái. Sau đó hai vị lo mở mang truyền bá Chánh Pháp.
Sa Môn Tuệ Toàn là Thiền Sư ở Lương Châu, có hơn năm trăm đệ tử, trong đó có một người thô bạo, không được Sư để mắt. Một hôm người ấy tự nói là đạt quả A Na Hàm, Thiền Sư không tin. Lần nọ Thiền Sư bị bệnh nhập thất tịnh tu, đang đêm đệ tử đến thăm bệnh: Nếu A Xà Lê tin thì sau khi mất sẽ sinh vào nhà Bà La Môn.
Ta một đời ngồi thiền sao lại sinh vào đó?
A Xà Lê tu học nhưng không toàn lực, tuy có phước đức nhưng chưa siêu thoát. Nếu lập đạo tràng bố thí thì quả sẽ thành. Lại bảo cúng y Tăng già lê nhưng không phân biệt người. Sau, Thiền Sư làm theo lời, cúng y cho một Sa Di.
Ít lâu sau hỏi Sa Di: Y có lớn lắm không?
Sa Di không biết. Thiền Sư mới biết đó là Thánh Tăng hóa thân. Người đệ tử chết, xung quanh mộ thường có ánh sáng.
Đầu niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, Lưu Ngưng Chi ở Quảng lăng gặp một vị Tăng bảo: Ông sắp bị bệnh nhưng không chết, nếu thiết trai cúng dường thì họa sẽ qua. Ngưng Chi không tin, tức giận quát. Vị Tăng bỏ đi, bảy ngày sau Ngưng Chi bị bệnh gần chết.
Một vị Tăng đến bảo: Ông có pháp duyên, sao không tinh tấn?
Ngưng Chi kể lại, vị Tăng bảo: Đó là Tôn Giả Tân Đầu Lô, nói xong biến mất. Sau đó, Ngưng Chi thấy ánh sáng ở Tinh Xá Tuệ Pháp.
Thời Ngụy Thái Vũ, Sa Môn Đàm Chỉ có những việc lạ lùng, thường ngồi suốt sáu mươi năm năm, chân không dính đất, người đời đặt cho tên là Bạch Túc A Lan. Khi Hách Liên Xương phá đất Trường An, chúng chém Sư nhưng Sư không bị thương, nhờ thế nhiều Tăng ni được thoát chết. Sư tịch hơn mười năm mà thần sắc vẫn như cũ.
Thời Tống Hiếu Vũ, Sư Tuệ Viễn là đệ tử Thiền Sư Tuệ Ấn. Thiền Sư biết trước kia đệ tử là thầy mình nên gửi đến Giang Lăng làm người chèo thuyền. Hằng ngày Thiền Sư khổ luyện hành đạo.
Một hôm, biết đã hết nghiệp Sư đến Chùa Đa bảo nói với Sư Đàm Tuân: Ngày hai mươi ba tháng hai năm sau sẽ về Trời. Hôm đó Sư Đàm Tuân thiết trai cúng dường, thấy khí lạ, biết là sự thật.
Canh ba hôm đó nghe trong hư không có tiếng nhạc, thầy nói: Sa Môn đi đó à?
Niên hiệu Đại Minh năm thứ tư đời Tống, Thái Hậu tạo tượng Bồ Tát Phổ Hiền ở Chùa Trung Hưng, thiết lễ cúng dường.
Trong pháp hội có một vị Tăng hình dáng kỳ lạ, một vị Tăng khác hỏi: Xin hỏi Sư từ đâu đến?
Từ Thiên An đến. Xin cho biết quý tánh. Tuệ Lãng.
Cuối đời Tống Sa Môn Bảo Chí đến Dương đô, thường hay phân thân biến hóa khôn lường, thấy vậy Vua ra lệnh bắt giam. Sư bị gông cùm trong ngục nhưng người ta lại thấy Sư hóa độ ở chợ, thoắt ẩn thoắt hiện không sao biết được. Sau, Sư thường đến Chùa Diên Hiền.
Lần nọ, Trời hạn hán Sư bảo Vua thỉnh Tăng tụng Kinh Thắng Man, Trời sẽ mưa. Vua làm theo quả đúng như lời. Vua lại hỏi về người thừa kế, Sư há miệng chỉ vào Hầu Cảnh. Sau này cũng đúng như lời.
Cách Từ Châu không xa về phía Đông nam có người tên Lưu Tát Hà, không tin Phật Pháp, sau bị chết, rồi được sống lại, kể rằng: Gặp Bồ Tát Quán Âm bảo đến Đan dương lễ bái Tháp Vua A Dục xây.
Từ đó họ Lưu kính tin Phật, thường thiết trai cúng dường vào ngày mùng 8 tháng tư hàng năm. Sau đó, họ Hà xuất gia học đạo, pháp hiệu là Tuệ Đạt, được mọi người tôn kính. Người này ban đêm hay ẩn mình trong cái kén, sáng lại chui ra nên người đời đặt tên là Tô Hà Thánh, tô hà là cái kén.
Dân chúng thường thờ tượng Thánh Tô Hà vì rất linh thiêng. Sau Sư tịch ở Sa Lịch, hài cốt rất nhỏ, có thể xâu lại bằng dây. Mỗi khi gặp việc, dân chúng thường đến Sa Lịch tìm, nếu được thì tốt, không được thì xấu. Một người nọ tìm không được bên lấy trên tay tượng Bồ Tát Quán Âm, nhưng đang đêm thì bị mất, hôm sau lại thấy trên tay tượng.
Những việc thần dị ở các thời đại rất nhiều, được ghi rõ trong Cao Tăng Truyện nên ở đây chỉ nêu lược.
***