Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm
TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO
CẢM THÔNG LỤC
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thích Đạo Tuyên, Đời Đường
PHẦN SÁU
Vị Tăng nói: Tượng này là tượng Tam Miệu Tam Phật Đà Kim Tỳ La Vương, sẽ làm nhiều việc Phật. Nói xong vị Tăng biến mất. Ngày năm tháng tư niên hiệu Thiên Giám năm thứ mười, họ thỉnh tượng về đến Kinh Đô. Vua quan ra ngoài bốn mươi dặm để đón.
Nhà Vua ra lệnh ân xá, không giết, không tham dục. Tháng năm niên hiệu Thái Tinh năm thứ ba Vua mất. Tương Đông Vương lên ngôi ở Giang Lăng, thỉnh tượng về đó. Niên hiệu Đại Định năm thứ tám nhà Hậu Lương, Vua xây Chùa Đại minh ở phía Bắc thành rồi thỉnh tượng về thờ.
Đầu niên hiệu Thiên Giám nhà Lương, Vua cho xây Chùa Quang trạch, tạo tượng vàng cao tám trượng. Người thợ theo mẫu đúc tượng nhưng sợ thiếu đồng, Vua cho chở năm mươi xe đồng đến, họ làm thấy cao hai trượng hai nên tâu Vua xin thêm đồng.
Vua cho là điềm lạ, liền ghi lại ở chân tượng, hiện vẫn còn. Vua lại cho xây Chùa Đại Ái kính ở núi Chung Sơn tạo phước cho Vua cha, Tượng Phật hiện rất nhiều thần tích. Ở huyện Diệm có Tượng Phật bằng đá do Vua A Dục khắc tạo.
Thiền Sư Đàm Quang từ phương Bắc đến, thấy cảnh sắc núi sông nhàn tĩnh nên cất am tranh tu học.
Trong hư không có tiếng nói: Đây là đất Phật, sao lại có nhà cỏ. Nghe vậy Thiền Sư dời đến núi Thiên Thai, đúc Tượng Phật để thờ nhưng không thành. Sau Vua Lương bị bệnh, có người báo mộng đến lễ tượng ở huyện Diệm, Vua thỉnh Luật Sư Tăng Hựu đến xem, thấy tượng còn thô liền đẽo gọt thì tượng hiện ra rất đẹp, đầy đủ đức tướng. Người nhà của Thái Tử liền làm bia ghi lại.
Sau Vua Lương Thế Tổ lên ngôi, ông rất tôn sùng Phật Pháp, phế bỏ lễ giáo, thường mời Chư Tăng vào cung đàm đạo, tạo đúc hai tượng vàng bạc, kính lễ gần năm mươi năm, ngày đêm sáu thời,vết chân in trên đá. Sau Hầu Cảnh đoạt ngôi, Vua vẫn lễ bái. Thái úy Vương Tăng Biện giết Cảnh, đón Trinh Dương Hầu Túc Uyên lên ngôi.
Khi ấy đất Giang Tả chưa yên, Biện sai con rể là Đỗ Kham đến trấn giữ. Tánh họ Đỗ hung ác nên muốn đập bỏ hai tượng kia. Họ Đỗ sai mấy mươi người buộc dây vào cổ tượng để kéo, lập tức tay bọn chúng đều bị tê liệt, sau lại thấy lực sĩ Kim Cang tay cầm chày đánh, làm cho thân thể chúng đều bị ra máu, chết tươi.
Niên hiệu Thiên Bình thời Nguyên Ngụy, Tôn Kính Đức trấn giữ Định Châu, tạo Tượng Bồ Tát Quán Âm. Sau bị tống giam vào ngục, khép tội tử hình.
Đêm trước khi bị hành quyết, họ Tôn lạy Phật, sám hối tội lỗi, khóc lóc khẩn cầu: Nay bị oan ức phải là do đời quá khứ giết oan người, xin đền tội, nguyện không bao giờ phạm nữa.
Lại phát nguyện lớn. Chợt thấy một vị Sa Môn dạy tụng Kinh Quán Thế Âm cứu sinh một ngàn lần sẽ thoát nạn khổ. Họ Tôn tỉnh dậy tụng đọc đến sáng thì tròn một trăm biến. Khi bị đưa đến pháp trường họ Tốn vẫn tụng đến lúc hành hình là tụng đủ ngàn biến.
Đao phủ hạ đao, đao bị gãy làm ba khúc, họ thay đao khác vẫn bị gẫy như trước. Quan trông thấy liền tâu lên thừa tướng, họ Tôn được khỏi tội chết, trở về lo thiết lễ đền ơn. Lại thấy cổ tượng bị ba nhát dao chém, mọi người đều cho là sự cảm ứng.
Trần Vũ Đế băng, con của người anh tên Thiến lên kế vị. Vua lại muốn xây lăng mộ, làm xe lớn nhưng vì quốc khổ không đủ, nghe tượng ở điện thời Lương Vũ Đế làm bằng vàng bạc châu báu, Vua định cho phá để lấy vàng xây lăng, Vua cho người đến đó, Trời bỗng u ám, mưa to gió lớn, tướng ánh sáng hiện, bốn bộ thần cùng nâng tượng bay lên hư không, mọi người đều kinh ngạc, kính tin. Sau trận mưa, ở nơi thờ tượng chỉ là gian nhà trống không. Tháp ở Chùa Vĩnh Minh hôm đó cũng có hiện tượng lạ ấy.
Sa Môn Tăng Hộ, Chùa Linh Thạch, Tấn Châu, cuối thời Bắc Tề, tu tập đạo nghiệp nguyện tạo tượng đá cao một trượng tám. Mọi người cho là kiêu ngạo. Sau đó Sa Môn thấy một tảng đá trong hang ở phía Bắc Chùa cao một trượng tám nên nhờ thợ tạc tượng.
Hôm đó tượng ra mồ hôi, Tấn Châu bị binh biến, quân lính đến đốt Chùa Tháp, tượng bị gãy hai ngón tay. Sáu mươi người lính dùng sức kéo phá tượng vẫn y nguyên. Sau có người mộng thấy tay tượng bị đau, tỉnh dậy người ấy liền đắp lại. Niên hiệu Khai Hoàng năm thứ mười lăm có tên trộm cướp phướn lọng, thấy tượng đến trách, hắn liền trả về chỗ cũ.
Niên hiệu Kiến Đức năm thứ ba, Chu Vũ Đế quyết tâm diệt Phật, trên ngọn núi cách Kinh Châu hơn trăm dặm về phía Bắc, người ta thấy có ánh sáng lạ, tìm thì thấy có tảng đá như pho tượng nằm, đào sâu thì thấy quặng sắt cao gần ba trượng, người ta định đẻo dũa nhưng không được, đào sâu nữa thì thấy ống chân đá, dân chúng kéo lên, tượng bị rơi, chân đá vẫn đứng thẳng, bèn lập Chùa Đại tượng ở đó.
Sau nhà Tùy sửa chữa, đổi thành Chùa Hiển tế, nhưng tìm ở đó lại không thấy gì, nên cho đó là thần lực cảm ứng. Cuối niên hiệu Trinh Quán, Vua xây cung Ngọc hoa, đặt tượng ở đó để lễ bái. Niên hiệu Vĩnh Huy, Vua đổi cung thành Chùa, nay thuộc phường Châu. Đêm đêm mọi người thường thấy ánh sáng lạ hiện ở đó.
Tượng gỗ Chùa Hoa nghiêm, Tương Châu, cao gần một trượng. Khi nhà Chu diệt pháp, đầu tượng bị mất, nhà Tùy tìm thấy, trang nghiêm lại như xưa. Đó là Tượng Phật Lô Xá Na. Người ta thường cầu cúng. Lúc Vua sắp băng, tượng chảy mũi, lớp vàng bị bóc ra, phát ra ánh sáng.
Tháng tư niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai mươi ba, tượng cũng có sự lạ như trước, sau đó Vua Thái Tông băng hà. Tháng sáu tượng lại có sự lạ, dân chúng không biết tai họa gì xảy ra. Tháng bảy nước sông Hán dâng, kéo trôi người vật, mọi người đến Chùa cầu khẩn.
Niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, điện Phật Chùa Hưng hoàng ở Tương Châu bị cháy, mọi người đều sợ tượng đồng cao trượng sáu bị cháy nhưng tượng vẫn còn nguyên, sau dời về Chùa Bạch mã. Niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ hai, tên trộm vào định cướp tượng, bỗng tay bị kẹt, không rút ra được. Sáng hôm sau Chư Tăng hỏi, tên trộm nói có người đến trói tay.
Tượng Phật A Di Đà và năm mươi tượng Bồ Tát được xem là điềm lành từ Thiên Trúc.
Tương truyền: Bồ Tát đạt năm thông ở Chùa Kê Đầu Ma Thiên Trúc đến cõi tịnh, thưa với Đức Phật A Di Đà rằng chúng sinh Ta Bà muốn sinh về cõi này nhưng không thấy hình Tượng Phật, e không có sức thần, xin Phật giáng hạ.
Phật bảo: Hãy về đi sẽ thấy. Bồ Tát trở về thì thấy một Tượng Phật và năm mươi tượng Bồ Tát ngồi ở tòa sen trên lá. Bồ Tát vẽ theo để truyền bá. Về sau con của Đằng Tỉ xuất gia mới thỉnh được về đất Hán. Sau trải qua nhiều năm tháng và sự diệt pháp của các Triều đại, tượng không còn thấy nữa. Nhà Tùy khai giáo, Sa Môn Minh Hiến được Pháp Sư Đạo Trường tặng một bức, Sa Môn cho vẽ lại để truyền bá. Họa sĩ Tần Trọng Đạt ở Bắc Tề vẽ lại trên vách. Hiện vẫn còn.
Tượng đá Chùa Nhật nghiêm ở Kinh đô nhà Tùy, tượng cao tám tấc, rộng năm tấc, được làm bằng đá bát lăng tử nên rất trong suốt. Xưa vị Tăng Tây Vực mang sang, nhưng gặp loạn Hầu Cảnh nên cất tượng ở Chùa Tây Lâm núi Lô Sơ, Giang Châu. Tùy Dạng Đế cho tập hợp các cảnh tích xưa, thấy bản ghi về tượng liền sai người đến Chùa tìm.
Sau này mới đưa về Chùa Nhật nghiêm không cho ai vào xem. Cuối niên hiệu Đại Nghiệp, Tăng Chúng kéo đến chiêm ngưỡng tượng, mọi người thấy một vẽ, Vua liền lập trai đàn sám hối thì tượng hiện lại như xưa. Nhưng nhìn vào tượng người thì thấy Phật, Bồ Tát, người thì thấy địa ngục khổ đau. Từ đó về sau mọi người đến lễ tượng để biết kiếp trước kiếp sau của mình.
Bốn mặt Phật ở Chùa huyện Sa Hà, Hình Châu nhà Tùy. Thời Tùy tổ có một người vào núi thấy một vị Tăng giữ pho tượng bằng đồng, cao hơn ba thước, liền xin, vị Tăng cho, nhưng bỗng biến mất, lại thấy một người dẫn đến Chùa Sa Hà thì thấy một khối vàng hình con chim và có ghi chữ làm Tượng Phật bốn mặt. Sau lại biến mất. Bên hông Chùa thường có ánh sáng hiện. Tùy Hậu Chủ nghe, liền cho người đúc, mãi hơn hai trăm ngày mới xong.
Niên hiệu Vũ Đức đời Đường, Hác Biện, Hác Tích ở phường Châu vốn kính tin Phật. Họ thường thấy trên núi có một bầy nai nhưng đuổi chúng đi không được. Thấy lạ họ đào chỗ nai đứng thì thấy một pho tượng đá cao gần một trượng tư. Họ đưa về làng. Từ đó không thấy bầy nai nữa. Tương truyền thời Phật Ca Diếp có bốn mươi pho tượng được chôn trên núi, hiện chỉ thấy được hai tượng.
Chùa núi Tam học ở Giản Châu, Thục Xuyên, đời Đường có dấu chân Phật, trong hư không thường có đèn thần chiếu soi vào ban đêm, ngày chay càng nhiều. Sau có người cỡi ngựa đến Chùa để tìm. Ngoài mười dặm thì thấy đèn nhưng đến thì mất. Niên hiệu Trinh Quán thứ mười thầy Pháp Tạng đến ngủ đêm ở Chùa, bỗng có một vị đại thần lôi ra ngoài cửa, quăng ra xa bảy dặm, làm đau chân, thầy trở về Chùa, đóng cửa.
Tháng chín niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười bảy đời Đường, đô đốc Lương Châu Lý Tập Dự đi tuần hành đến huyện Xương tuyền phía Đông Nam, thấy có tảng đá gồm một trăm mười chữ, ghi về bảy Đức Phật và tám Bồ Tát. Đô đốc dâng sớ tâu, Vua hạ chiếu xá tội một năm.
Núi Bắc Thạch Chùa Tương Tư cách Du Châu hơn trăm dặm về phía Tây có mười hai vết chân Phật, dài gần ba thước, rộng một thước mốt, in sâu chín tấc, giữa có hình cá, cách hơn mười bước về phía Bắc điện Phật có một vị Tăng ở đó. tháng mười niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai mươi, trong suối của Chùa có hoa sen màu đỏ mọc lên, to ba thước, có hình người khóc. Mọi người đến xem đều kinh ngạc, tên Chùa Tương tư có từ đó.
Trên núi, Chùa Linh Kham ở huyện Hưng Ninh, nằm về phía Đông Bắc Tuần Châu nhà Đường có hơn ba mươi vết chân Phật to gần năm thước.
Trong một con sông cách Tuần Châu hai trăm dặm về phía Đông Tây, một trăm dặm về phía Nam bắc có một kho đồng, có bài minh: Tăng được thì phước, tục được thì họa.
Tục truyền: Xưa có một vị Tăng từ phương Bắc đến ẩn ở đây, hôm lên núi Hồng Lĩnh, vị Tăng lần đến chỗ vết chân Phật. Thấy cỏ cây ở đó tốt tươi liền ngủ đêm.
Nửa đêm sơn thần hiện lên dọa, bảo: Không nên ở đây, quỷ thần hay đến quấy rối. Vị Tăng bỏ đi. Thời Tống có hai vị Tăng đến đó tìm, biết vị Tăng kia trì Kinh Pháp Hoa, hàng phục ma quỷ, chúng đều theo tu học. Sau có người tìm thấy bảy dấu chân in trên đá. Đến niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba, người ta lại thấy thêm một dấu chân nữa, tất cả đều phát ra ánh sáng. Vua nhà Tống liền xây Chùa ở đó.
Niên hiệu Hiển Khánh năm thứ tư đời Đường, thứ sử Phủ Châu cầu cúng để tránh hạn hán nhưng không được. Về sau có người thấy trên núi phía Đông có tượng đi nhưng không dời được. Người ta theo đường đi tìm thấy hai vết chân dài hai thước cách nhau năm dặm. Nghe tin thứ sử và dân chúng đến thắp hương cầu khẩn xin mưa, lại thỉnh tượng về Chùa. Lúc đưa tượng đi mây phủ giăng, đến đêm thì tuôn mưa.
Niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường, Chùa núi Ngộ Chân huyện Lam Điền, Ung Châu có nhiều Tăng Chúng tu học. Một vị Tăng xây một cốc nhỏ ở khe núi phía Bắc nhưng trước cốc có một tảng đá rất lớn, trở ngại việc đi lại. Vị Tăng làm mọi cách để phá đá nhưng không được, sau đập đá ra thì được một tượng vàng, cao năm tấc, hiện còn ở Chùa.
Ở huyện Hộ đất Ung Châu đời Đường có tượng vàng cao ba thước sáu, thường phát ra ánh sáng.
Tôi nghe thì đến chiêm ngưỡng, trên chân tượng có bài minh: Ngày tám tháng tư niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ hai mươi, đúc tại Chùa Trường An.
Công chúa Xuất Gia học Phật, có nói: Nhờ sự cảm ứng của Tượng Phật nên được xuất gia. Xin mô phỏng theo để tạo phước cho mười phương.
Xưa giáo pháp bị diệt, tượng được cất ở Song La Nhân. Sau có người nghe tiếng, thấy ánh sáng lạ liền báo dân làng đến tìm, họ đào thấy tượng nhưng dân chúng cất giấu để cúng thờ vì còn là thời Chu. Nay vẫn còn.
Tháng hai niên hiệu Long Sóc năm thứ ba đời Đường, ở Thẩm Châu có tượng xuất hiện. Ở hang huyện Cẩm Thượng vốn có ba pho tượng đá, tượng giữa thường phát ra ánh sáng soi sáng cả hang. Dân chúng đồn đến tai vua. Vua cho Sư Huyền Tú Chùa Đại Từ Ân và sứ giả đến xem. Thấy ánh sáng chiếu sáng họ liền tâu vua, ánh sáng soi chiếu suốt ba đêm mới hết. Niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba chúng tôi có đến huyện này nhưng không thấy điềm lạ.
Niện hiệu Long Sóc năm thứ nhất đời Đường. Vua hạ chiếu cho thầy Hội Tích Chùa Hội Xương lên núi Ngũ Đài để tu sửa Chùa Tháp. Núi này có năm đài, đài giữa cao nhất, được làm từ thời Ngụy Cao Tổ Hiếu Văn Đế. Phía Bắc đài vẫn còn vết tích người ngựa, trên đỉnh có ao Thái Hoa Tuyền, lại có suối nhỏ, giữa có hai Tháp thờ Bồ Tát Văn Thù. Tương truyền Bồ Tát Văn Thù đến núi Thanh Lương nói pháp cho năm trăm vị tiên.
Núi này rất lạ, ít có cây cối chỉ có rừng thông, phía Nam núi có đỉnh Thanh Lương, dưới núi có phủ Thanh Lương. Cách ba mươi dặm về phía Đông của đài có Chùa Linh Thứu, ở đó có hai đạo tràng. Tương truyền do Hán Minh Đế xây dựng, phía Nam có vườn hoa, thật là đất của thần tiên. Sư Hội Tích cùng huyện thừa và hơn hai mươi người lên núi tu sửa. Thấy thần tích họ ra sức tu sửa tôn tạo.
Chợt nghe tiếng chuông vang lên, mùi hương thoảng ra, tất cả đều khen lạ. Họ đến phía Tây, thấy một vị Tăng cỡi ngựa đi về phía Đông, họ liền chạy theo nhưng không kịp. Điềm lạ ấy vẫn thường ẩn hiện. Phía Đông Nam là Hằng Nhạc, phía Tây bắc là Hằng Thiên, giữa có sáu ngôi tháp Phật, thân tướng các Thiền Sư Giải Thoát, Tăng Minh vẫn còn.
Niện hiệu Long Sóc đời Đường tả hành quân tướng Tiết Nhân Quý đánh dẹp đất Liêu. Thấy tượng đi trên núi, tướng quân hỏi mới biết là kỳ tích đời trước, liền cho vẽ lại để lưu truyền.
Chánh Pháp do người mở mang, cho nên khi Phật chưa giáng trần, pháp vẫn có nhưng không hiển, không có Tăng làm sao truyền pháp. Đó là sự tương giao của sự lý. Vì thế bốn y ba phần, con người là đầu mối. Thần Tăng Chùa Thánh hiển bày khắp bốn biển là nhờ đức của La Hán, công của Chư Tăng. Xin nêu vài việc về Chùa Thánh, giáo Linh, thần Tăng.
Chùa Thanh Lương núi Thiên Thai ở gần biển Lâm. Chùa núi Bồng Lai ở Đông Hải. Chùa Tiên Hang, Đường Thuật, Bảo Hãn, Lâm Hà. Chùa Trúc lâm núi Thạch Cổ, Tương Châu. Chùa Linh Ẩn, Lô Sơn, Nham Châu. Chùa núi Minh Tịch, Tấn Dương.
***