Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO CẢM THÔNG LỤC - PHẦN TÁM

TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO

CẢM THÔNG LỤC

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Đạo Tuyên, Đời Đường
 

PHẦN TÁM
 

Thời Hiếu Vũ Đế đời Đông Tấn, vì gặp loạn Thạch Triệu Sa Môn Thích Đạo An đến ẩn cư ở Tương Dương.

Sa Môn thường chú giải các Kinh Bát Nhã, Đạo Hành, Mật Tích, nhưng sợ không hợp lý nên phát nguyện: Nếu lời giải không trái lý xin cho thấy điềm lành.

Sau đó Sa Môn mơ thấy một đạo nhân đầu bạc mày dài bảo: Lời chú giải của ông rất hợp đạo lý. Ta không nhập Niết Bàn, ở lại Tây Vực, trợ giúp hoặc thông, thường cúng vật thực.

Sau, Thiền Sư Tuệ Viễn nói: Đó là Tôn Giả Tân Đầu Lô. Do vậy liền thiết lễ cúng dường.

Sa Môn Thích Tăng Sinh ở quận Thục tu hành khổ hạnh, chuyên trì Kinh Pháp Hoa. Mỗi lần tụng, có một con cọp đến nghe Kinh, tụng xong cọp bỏ đi, lại có bốn người hầu nghe. Tuổi tuy già nhưng Sa Môn luôn siêng năng.

Sa Môn Thích Đạo Duệ cùng ba người đồng môn vào núi Hoắc ở Hà Nam. Đi được vài dặm thì ba người kia chết, Sa Môn kinh sợ thành tâm tụng Kinh Pháp Hoa, bỗng thấy đom đóm soi đường đi ra khỏi hang. Sau thường gặp Bồ Tát Phổ Hiền hoặc các thần Tăng. Từ đó Sa Môn đến quận Tống làm nghề đưa đò. Một hôm có mấy người đưa Sa Môn đến một nơi rất lạ. Thấy Duệ, Pháp Sư đứng lên từ biệt, rồi cho đưa về.

Sa Môn Thích Phổ Minh xuất gia học đạo, bản tánh thuần tịnh, sống rất thanh đạm, thường trì Kinh Pháp Hoa, Duy Ma. Khi trì Kinh Sa Môn luôn đắp y khác và ngồi bồ đoàn khác. Khi tụng đến phẩm Khuyến Phát trong Kinh Pháp Hoa thì Sa Môn thấy Bồ Tát Phổ Hiền cởi voi đứng trước mặt, lúc tụng Kinh Duy Ma thì nghe trong hư không có tiếng nhạc.

Sa Môn Thích Tuệ Quả trụ Chùa Ngõa Quan, Dương Châu chuyên tụng Kinh Pháp Hoa, Thập Địa.

Có lần thấy một con quỷ ở nhà xí đến nói: Xưa tôi là Duy Na vì làm sai pháp môn nên đọa làm quỷ ăn phân. Tôi có chôn ba ngàn đồng tiền dưới gốc cây thị, xin lấy làm phước, Sa Môn làm theo, thiết lễ tụng Kinh sám hối. Sau quỷ đến tạ ân, bảo là đã thoát nghiệp.

Sa Môn Thích Tuệ Tấn Chùa Cao Tòa, Dương Đô, lúc nhỏ vốn là một hiệp sĩ, năm bốn mươi tuổi ngộ sự vô thường, liền xuất gia học Phật, nguyện tụng Kinh Pháp Hoa. Nhưng khi tụng thì bị bệnh, liền phát nguyện in một trăm bộ Kinh để sám hối tội chướng.

Một hôm tên trộm lẻn vào định lấy số tiền in Kinh nhưng chúng lại không lấy. Sau khi in xong một trăm bộ Kinh, Sa Môn không bệnh nữa, ngày đêm lo tụng Kinh sám hối, nguyện sinh về Cõi Phật A Di Đà.

Nghe trong hư không bảo: Ông đã toại nguyện, Sa Môn liền ra đi ở tuổi hơn tám mươi.

Sa Môn Thích Hoằng Minh ở Chùa Vân môn, chuyên trì Kinh Pháp Hoa, nơi ở của Sa Môn thường có Chư Thiên cung phụng nước uống thức ăn, cọp quỷ cũng đến nghe Kinh. Con quỷ ấy vốn là Sa Di nhưng trộm vật của Tăng bị đọa làm quỷ. Quỷ này đến nghe Kinh mong thoát nghiệp. Sa Môn nói pháp, quỷ ngộ đạo bỏ đi. Lại có con sơn tinh đến não loạn Sa Môn lấy dây buộc, quỷ xin tha, từ đó không đến nữa. Chuyện của Tôn Kính Đức như phần trước đã kể.

Sa Môn Thích Đạo Lâm trụ Chùa Tuyền lâm huyện Phú Dương xuất gia học đạo chuyên trì Kinh Tịnh Danh. Trước đây Chùa hay bị quỷ quấy rối, từ khi Sa Môn về ở quỷ không đến nữa.

Có người đệ tử bị chết, đầu rơi trúng ngực, Sa Môn cầu thỉnh, đêm ấy thấy hai vị Tăng Ấn Độ đến kéo đầu ra, sau Sa Môn thiết lễ cúng tạ. Sa Môn trải bông mới trên giường nằm, cúng xong, thấy trên giường có hình người cao ba thước, đại chúng đều cảm phục.

Sa Môn Thích Chí Trạm tu học, tụng Kinh Pháp Hoa ở Chùa Hàm Thảo.

Lúc Sa Môn sắp tịch, Lương Vũ Đế thấy thần Tăng báo mộng: Hôm nay Thánh Tăng chứng quả Tu Đà Hoàn nhập diệt tại Chùa Hàm thảo. Sa Môn tịch, mỗi tay đều duỗi một ngón.

Thần Tăng bảo: Đó là người chứng quả thứ nhất. Vua cho người đào xem chỉ còn cái lưỡi, liền cho xây Tháp thờ.

Ở đất Ung Châu có Sa Môn ở ẩn trên núi Bạch Lộc, chuyên trì Kinh Pháp Hoa. Sau khi mất, toàn thân đều khô nhưng cái lưỡi vẫn y nguyên.

Vua Tề hỏi, Sa Môn Pháp Thượng nói: Người trì Kinh Pháp Hoa sáu năm không hoại. Vua cho nhóm chúng tụng Kinh, tụng xong ngàn biến thì hiện nguyên hình, Vua cho đóng khám đá để thờ.

Một hoạn quan thời Ngụy Cao Tổ xin lên núi ẩn tu, chuyên tụng Kinh Hoa Nghiêm, sám hối tội chướng. Khi chưa mãn một mùa hạ, hoạn quan lại được thân tướng như xưa, liền viết sớ tâu lên Vua cho cả nước tụng Kinh Hoa Nghiêm.

Đầu niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, có một Sa Môn chuyên trì Kinh Niết Bàn, một Sa Di chuyên tụng Kinh Quán Âm. Bỗng cả hai đều chết, họ thấy mình xuống địa ngục, Diêm Vương lập tòa vàng mời Sa Di ngồi, thiết tòa bạc để Sa Môn an tọa.

Sau thấy tuổi thọ hai người chưa hết, Diêm Vương thả về. Sa Môn liền tìm đến hỏi Sa Di vì sao được như thế. Sa Di kể rằng trước khi tụng Kinh đều tắm gội, thay y phục và bồ đoàn mới. Sa Môn mới biết tội mình, từ đó lo tịnh tu.

Sa Môn Thích Đạo Tích Chùa Phược thành, Ích Châu chuyên tụng Kinh Niết Bàn. Một hôm Sa Môn tịch, hơn một trăm ngày nhục thân vẫn còn như lúc sống, đạo tục đều khen ngợi.

Sa Môn Thích Bảo Quỳnh ở Thục Xuyên chuyên tụng Kinh Đại Phẩm, thường kính tin Phật Tăng. Dân ở đó không tin Phật nên Sa Môn cũng ít vào làng hóa duyên. Nhân dịp dân chúng đến lễ thần, Sa Môn đến đền thờ nhưng không lễ bái.

Có người nói: Không lễ bái thiên tôn thì không phải là Sa Môn.

Sa Môn nói: Tà chính khác đường, Trời còn lạy ta, sao ta lại lạy lão quân. Dân chúng bàn tán.

Sa Môn nói: Nếu ta không lễ thì cũng khó coi. Sa Môn liền lạy một lạy, tượng thờ lung lay, lạy một lạy nữa, tượng thờ rơi xuống đất. Dân chúng đều kinh ngạc, từ đó họ rất tôn kính Phật Pháp.

Sa Môn Thích Không Tạng trụ Chùa Hội xương ở Kinh Đô đời Đường, chuyên lo tụng Kinh, du hóa. Xưa, Sa Môn tụng Kinh ở núi Phu nhi cảm động thần linh. Lần nọ, Trời hạn hán, nước suối khô cạn, Tăng Chúng bỏ đi, Sa Môn liền thành tâm cầu cúng, bỗng nước suối dâng đầy, đạo tục đều khen ngợi. Sa Môn mất vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười sáu.

Sa Môn Thích Di Tục chuyên trì Kinh Pháp Hoa, lúc sắp mất Sa Môn nói với Thiền Sư Tuệ Khuyết: Nếu tụng Kinh linh nghiệm, được sinh cõi lành thì mười năm sau khi mất, lưỡi vẫn còn nguyên. Nếu đúng như lời hãy xây Tháp để tạo phước cho muôn loài. Sau mười một năm Thiền Sư làm theo, quả đúng như lời, liền xây Tháp thờ.

Huyện lệnh huyện Ba tây, Long Châu, Hồ Nguyên Quĩ kính tin Phật Pháp, muốn viết lại Kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Bát Nhã, Niết Bàn nhưng không biết xem xét nên nhờ Thiền Sư làm giúp. Thiền Sư viết xong, cất ở gia trang. Lần đó, gia trang bị cháy, nhưng Kinh Điển không bị cháy. Riêng một quyển đầu chữ bị ố đen, vì người viết không thành kính. Kinh ấy hiện vẫn còn ở Chùa Tây Minh.

Thiền Sư Đàm Vận là người ở Định Châu hành đạo bảy mươi năm. Cuối đời Tùy nước nhà hỗn loạn, Thiền Sư ẩn tại núi Tỷ Can ở Li Thạch. Thiền Sư chuyên tụng Kinh Pháp Hoa, muốn viết lại nhưng không làm được. Bỗng thấy một bức thư ghi rằng thanh tịnh thân tâm sẽ làm được.

Hôm sau Thiền Sư tắm gội, thay y phục, vào tịnh thất bắt đầu chép Kinh, đến tối mới ra. Cứ như thế cho đến khi chép xong bộ Kinh. Sau có giặc loạn, Thiền Sư đặt Kinh trong rương, chôn trên núi cao. Sau này người ta tìm thấy, rương bị hư nhưng Kinh vẫn còn nguyên.

Thiền Sư Tăng Triệt Trụ Chùa Hãm tuyền ở núi Cô Sơn phía Nam Giáng Châu, thấy một người bị bệnh phong ở trong hang, Thiền Sư đưa lên núi, làm nơi ở, cho ăn và bảo tụng Kinh Pháp Hoa. Nhưng vì không biết chữ nên Thiền Sư phải dạy đọc từng câu, đến khi đọc được nửa bộ Kinh thì mộng thấy thần linh, từ đó dần thông tỏ, tụng hết sáu quyển thì khỏi bệnh.

Một Ni Sư ở Hà Đông chuyên tụng Kinh Pháp Hoa và thuê người chép Kinh, lại lo chay tịnh thành kính suốt tám năm mới xong bảy quyển. Thầy Pháp Đoan Chùa Long môn Nhân Giảng Kinh cho đại chúng nên mượn nhưng Ni Sư không cho. Sư chê trách, Ni Sư liền đem Kinh đến. Sư mở Kinh thì không thấy chữ nào, hối hận quá thầy mang trả lại. Ni Sư tự trách mình, lạy Phật sám hối suốt bảy ngày, sau đó Kinh hoàn lại như cũ.

Đầu niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, Pháp Sư Đàm Châu ở Hà Đông, sớ giải Kinh Niết Bàn, sợ lời không hợp Thánh ý nên để Kinh và sớ trước Tháp Xá Lợi, khấn cầu và đốt Kinh. Khấn xong Kinh và Tháp đều phát ra ánh sáng soi chiếu suốt ba ngày đêm. Mọi người đều kéo đến xem. Vua nghe tin, thỉnh Pháp Sư về Kinh, xây Chùa Diên Hưng cúng dường.

***