Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

THÍCH THỊ KÊ CỔ LƯỢC TỤC TẬP - PHẦN BA

THÍCH THỊ KÊ CỔ LƯỢC TỤC TẬP

Giảng giải: Tỳ Kheo Đại Văn Huyễn Lâm
 

PHẦN BA
 

Lúc Sư hai mươi tuổi, thì Phật và Đạo đính chính lại bộ Hóa Hồ Kinh, hoàng đế Hiến Tông ban chiếu thỉnh Sư phân tích lẽ đúng sai, Đạo giáo chẳng thể ứng đáp được nên tự bỏ sở học của mình. vua rất vui lòng. Năm Sư hai mươi hai tuổi, Thế Tổ lên ngôi, đặt niên hiệu Trung Thống, tôn Sư làm Quốc Sư, trao cho ấn ngọc, làm Pháp Chủ Trung Nguyên thống lãnh giáo môn trong thiên hạ.

Sư từ giã vua trở về Tây, chưa được mấy tháng đã triệu hồi. Năm Sư ba mươi mốt tuổi nhằm niên hiệu Chí Nguyên thứ bảy, vua ban chiếu thỉnh Sư lập văn tự cho Đại Nguyên, Sư một mình vận dụng, mô phỏng, vẽ viết tạo thành, hợp ý mình, vua liền ban hành khắp nơi, từ hoàng Triều, Châu Phủ, Quận Huyện đều tuân dùng, trở thành điển chương của một thời đại.

vua sắc phong làm Đế Sư lại ban cho ấn ngọc, thống lãnh Thích môn toàn quốc, Sư lại trở về Tây, đến niên hiệu Chí Nguyên, vua sai chuyên sứ triệu Sư về Kinh, Vương công, tể tướng, sĩ dân lìa thành ba mươi dặm lập Đại hương án, thiết Đại tịnh cúng để bái nghinh Sư. Vạn người chiêm lễ Sư như một vị Phật xuất thế. Sư cũng đã vì thái tử Chân Kim soạn luận Chương Sở Tri gồm năm thiên được nhập tạng lưu hành ở thế gian.

Luận Chương Sở Thi do Đế Sư thuyết cho thái tử nghe, Phật Trí Thiền Sư Sa La Ba dịch. Phẩm thứ nhất là phẩm Khí Thế Gian, luận đầy đủ về đại địa, phong, thủy, hỏa luân, núi Diệu cao, Thất kim sơn, Tứ Châu, Luân vi, Nhật luân, Nguyệt luân, Tinh tú cung, Tam giới, chư Thiên.

Kế đến là phẩm Tình Thế Giới nói về địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, nhân đạo, Tu la, Thiên đạo, Y kiếp thành trụ hoại không, tướng trước sau và các việc về phổ hệ của Đức Phật Thích Ca, các đời Luân Vương… sau cùng nói về ba phẩm Đạo, Quả, và Vô vi.

Tháng mười niên hiệu Chí Nguyên thứ mười tám năm Tân Tỵ, vua hạ chiếu cho Tăng, Đạo luận biện, cả hai đều phụng Thánh chỉ… trừ đạo Đức Kinh là Kinh chân thật của Lão Tử, còn các Kinh khác là do người đời sau soạn ra, vua sai quan đốt tất cả.

Niên hiệu Chí Nguyên thứ mười chín năm Nhâm Ngọ, Xử sĩ Lưu Nhân là người có thiên tư hơn người, một ngày nhớ được trăm ngàn lời, đọc qua liền thuộc, thích câu nói: Tĩnh để tu thân, của Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Nên có tấm biển đề: Tĩnh Tu. vua muốn cho làm quan thế thiên, nhưng ông không nhận.

Niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi, tức năm Quý Mùi. Ngày mồng sáu tháng một niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi mốt đại xá thiên hạ, đồng thời giảm nhẹ hình phạt, năm Ất Dậu, niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi hai, vua ban Thánh chỉ thiêu hủy tất cả các Đạo Tạng Kinh ngụy tạo ở các lộ, kể cả ghi chép trên đá và bi ky.

Thánh chỉ ra lệnh cấm các ngụy Kinh trong Đạo tạng liệt kê sau đây: Kinh Hóa Hồ, Kinh Du Long, Kinh Thánh Kỷ, Kinh Tây Thăng, Kinh Xuất Tái, Kinh Minh Châu Biện Ngụy, Kinh Cửu Thiên, Kinh Xích Thư, Kinh Thượng Thanh, Kinh Nam Đẩu, Kinh Ngọc Vĩ, Kinh Thập Nhị Hư Vô, Kỷ Thắng Phú, Luận Biện Tiên, Luận Hột Tà, Luận Tam Phá, Thái Thượng Thật Lục, Thanh Dương Quan Ký, Huyền Cửu Nội Truyện, Đế Vương Sư Lục, Tam Thiên Liệt Ký.

Luận Thập Dị Cửu Mê, Lịch Đại Ứng Hiệu Đồ, Luận Phật Đạo Tiên Hậu, Luận Khâm Đạo Minh Chứng, Luận Phụ Chánh Trừ Tà, Luận Báng Đạo Thích, Luận Thập Sơn, Luận Tị Tà Quy Chánh, Kinh Tạng Thiên Ẩn Nguyệt, Kinh Xích Hoạch Độ Mệnh, Lịch Đại Đế Vương Sùng Đạo Ký.

Tam Giáo Căn Nguyên Đỗ, Hỗn Nguyên Sinh Tam Thanh Kinh, Hỗn Nguyên Thật Lục, Kinh Linh Bảo Tứ Thập Nhị Sinh, Cao Thượng Nội Truyện, Lâu Quán Tiên Sinh Nội Truyện, Kinh Ngũ Công Vấn Hư Vô. Phàm thấy các Kinh này thì tịch thâu.

Thánh chỉ ban chiếu xuống Chùa Đại Mẫn Trung ở Đại Đô thiêu đốt ngụy Kinh trong Đạo Tạng, lại sắc cho Lâm Tuyền trưởng lão ở Báo Ân Thiền Tự châm lửa.

Trưởng Lão tạ ân xong, niêm hương bạch rằng:

Phật tâm thiên tử xót chúng sinh

Sợ đọa ba đường lạc tà khanh

Trong riêng rõ ràng không thiên lệch

Nơi chung danh lợi khéo phân minh.

Vì thế nói: Bậc Thánh soi xét vô tư, máy Trời khó biết, đã đến khen ngợi công đức, thì dám chẳng báo ân ư?

Vì thế một nén hương này chính là để chúc tụng đương kim hoàng đế: Cúi mong Kim luân và Pháp luân đồng chuyển, phước vượt ba kỳ. Thuấn nhật và Phật nhật cùng soi, thọ muôn ức kiếp.

Kế đó trưởng lão đưa cây lửa lên và nói: Nhớ khi xưa vào thời Minh Đế, cũng vào năm này, đã từng nhờ vào lửa đỏ mà phân biệt tốt xấu, nay thiên tử đại nguyên lại tiếp nối phép tắc lớn ấy để hiển chánh phá tà, ai chẳng biết?

Xong trưởng lão cầm ngọn đuốc vẽ một vòng tròn trong hư không mà nói rằng: Này các nhân giả! Như Linh văn Đạo Kinh của ba động, lại có thể chứng được hỏa quang Tam Muội này chăng?

Nếu như ngay nơi đây chứng đắc, thì nhà có Kinh Bắc Đẩu, miệng của kẻ tà giáo này chẳng an định. Như chẳng được như thế, sau khi tro bay khói hết mặc tình đi khắp nơi mà kiếm Thiên Tôn. Hãy mau mở mắt xem Lâm Tuyền trưởng lão Tùng Mại Phụng sắc châm lửa!

Thông Tải Đối với Đạo Sĩ thì giữ mười bảy Luận Sư có đức để đối luận là: Tùng Siêu ở Chùa Viên Phước, Đức Hưởng ở Chùa Phụng Phước, Tùng Luân ở Dược Sư viện, Viên Dẫn ở Chùa Pháp Bảo, Chí Ôn ở Chùa Tư Thánh, Minh Tân ở Đại Danh phủ, Bản Liễn ở Cam Tuyền Sơn.

Đạo Vân ở Chùa Thượng Phương, Tường Mại ở Chùa Khai Giác, Liễu Tuần ở Chùa Truyền Giáo, Khánh Quy ở Chùa Pháp Hoa, Hành Dục ở huyện Long Môn, Đạo Thọ ở Chùa Diên Thọ, Tướng Duệ ở Chùa Ngưỡng Sơn, Thiện Lãng ở Chùa Tư Phước, Tổ Khuê ở Vĩ Châu và Nguyên Nhất ở Thục Xuyên.

Vào niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi ba năm Bính Tuất, Trụ Trì Vân Phong Thiền Tự ở núi Đạo Giả, Đại đô là Như Ý Tường Mại trưởng lão phụng chiếu soạn Biện Ngụy Lục năm quyển.

Biện Ngụy Lục gồm các chương: Vọng lập thiên tôn ngụy, Sáng lập kiếp vận niên hiệu ngụy, Khai phân tam giới ngụy, Tùy đại vi đế vương sư ngụy, Lão Tử xuất linh bảo tam động ngụy, Du hóa cửu thiên ngụy, Thâu Phật Kinh giáo ngụy.

Lão quân kết khí thành tự ngụy, Châu Văn Vương thời vị trụ hạ sử ngụy, Tiền hậu quân giáng sinh bất đồng ngụy, Tam phiên tác Phật ngụy, Mạo danh tiếm thánh ngụy, Hợp khí vi đạo ngụy, Thâu Phật thần hóa ngụy. Biện thuyết uyên bác, tất cả đều được ghi chép đầy đủ trong thông tải.

Như Ý Thiền Sư húy là Tường Mại, làu thông nội ngoại điển, thấu suốt giáo lý sâu xa, Trụ Trì một ngôi Chùa lớn ở Kinh đô, phụng chiếu soạn Biện Ngụy Lục năm quyển, chế phục thích đáng, Sư còn soạn Hoằng Truyện Tự Chú ghi trong pháp Hoa Yếu Giải.

Niên hiệu Chí Nguyên hai mươi bốn tức năm Đinh Hợi.

Ngày hai mươi mốt tháng giêng niên hiệu Chí Nguyên hai mươi lăm, năm Mậu Tý đại xá thiên hạ.

Hòa Thượng Vân Phong Trụ Trì ở Kính Sơn. Đầu tiên Đô tổng thống Thích giáo vùng Giang Hoài là Dương Liễn Châu Ca vân tập chư Tăng thiền giáo Giang Nam về Kinh, vào cung đối trước vua mà luận về Thiền.

Đầu tiên vua tuyên triệu hỏi vị Tăng Chùa Thượng Thiên Trúc: Giảng Kinh gì?

Đáp: Giảng Kinh Pháp Hoa.

Kế đến hỏi Tăng Chùa Tiên Lâm giảng Kinh gì?

Đáp: Luận Bách Pháp.

Sau đó hỏi Sư rằng: Thiền lấy gì làm tông?

Sư đáp: Thiền là tịnh trí diệu viên, thể vốn không tịch, kiến văn giác tri chẳng thể biết, suy lường phân biệt chẳng thể hay… sẽ ghi đủ đoạn sau.

Lại nói: Thiền và giáo vốn một thể, thiền là tâm Phật, giáo là lời Phật. Nhờ lời Phật mà thấy được tâm Phật. Thí như trăm sông tuy khác dòng mà đồng tuôn về biển lớn. Đã vào biển thì đồng một vị… tạ ân vua ban cho trai soạn.

Thiền Sư Cát Tường là Sa Môn ở Chùa Phổ Chiếu, hiệu là Phổ Hỷ, Cát Tường, người Sơn Đông. Sư nghiên cứu sâu xa Tướng Tông của Từ Ân, học tập các bộ Duy Thức, Du già Sư Địa, Nhân Minh. Vào năm này Thế Tổ lập trường giảng ở Giang Hoài, Phổ Chiếu đứng đầu, còn thỉnh Sư làm chủ giảng.

Hằng ngày, ngoài lúc thăng tòa, Sư thường tụng Kinh Hoa Nghiêm, lấy hạn định mười quyển làm thường khoa. Sau Sư viên tịch, hỏa thiêu thâu được rất nhiều Xá Lợi, xây tháp thờ Kinh khẩu Đơn Đồ. Nhân dân ở vùng Trấn giang phần nhiều có vẽ hình Sư để tôn thờ, và tôn Sư là Cát Tường Cổ Phật.

Ngọc Cương Pháp Sư tức Sa Môn Mông Nhuận trụ Chùa Hạ Thiên Trúc, hiệu Ngọc Cương. Sư người ở Hải Diêm, là cháu ngoại của Pháp Sư Thánh ở Cổ Nguyên, là cao đồ của Pháp Sư Truyền ở Trúc Đường. Lúc sinh ra Sư, người mẹ đã cảm thấy điềm mộng linh dị. Khi Sư Lễ tượng đất thần Già lam, thì các tượng đều ngã đổ.

Sư tu Quán Âm Sám thì tâm bệnh thuyên giảm, giảng Kinh Pháp Hoa thì cảm những kẻ bán thịt cá đổi nghề. Sư đến phong Hoàng Lĩnh cất am tranh chuyên tinh niệm Phật và tu Pháp Hoa, Kim Quang Minh, Đại Bi, Tịnh Độ, Định bốn mươi chín ngày làm kỳ hạn nhiều nhất. Sau dạy đệ tử pháp chỉ quán an tâm, niệm Phật mà thị tịch.

Tháng Giêng năm Kỷ Sửu, niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi sáu, ghi chép tính toán số hộ trong thiên hạ.

Ngày chín tháng chín mùa thu năm Canh Dần, Chí Nguyên thứ hai mươi bảy, vua ban chiếu đại xá thiên hạ.

Tạ Điệp Sơn Phương Đắc tánh nghiêm nghị, nho nhả, khí phách cao tuyệt, lấy việc truyền thế giáo, lập phép dân làm trách nhiệm. Ông làm quan đến chức Chiêu Dụ Sứ. Khi nhà Tống mất, ông hành nghề bói toán để ẩn lánh.

Bấy giờ nhà Nguyên trưng dụng các cựu thần, Sư quyết từ chối và nói rằng: Đại Nguyên trị thế, dân sinh ngày một đổi mới, cô thần Triều Tống chỉ nhất quyết chết mà thôi. Sở dĩ chưa chết, vì còn mẹ già chín mươi ba tuổi.

Sau đến đất Yên nhịn ăn sắp đi có bạn là Trương Tử Tuệ đọc thơ rằng: Đi thì rất tốt nếu nhờ vào ba tấc lưỡi mà trở lại, thì chẳng giá trị bằng nửa văn tiền. Lăng Đắc hiểu được ý nghĩa lời thơ này, liền chết ở đất Dịch.

Bình Sinh không có sách gì mà chẳng đọc, văn chương trác tuyệt, tự lập thành một phái. Đọc lời văn của ông thì thấy được tâm ông, khẳng khái, mạnh mẽ có thể làm cho những kẻ tham lam, hèn yếu lập chí.

Ông có soạn Văn Chương Quỷ Phạm lưu hành.

Vương Văn Trung Công tên là Vương Bân, tự là Văn Bính, người Quảng Đông, gia đình theo nông nghiệp, hằng năm thâu hoạch cả vạn thạch lúa, nên có hiệu là Vạn Thạch Vương Gia. Ông dốc sức nghiên cứu Sưu tập Kinh sử của bách gia, văn chương làu thông, phóng khoáng, người đến học tập nơi ông đến vài trăm.

Ông dâng sớ tâu rằng: Cửa quan của thiên tử chẳng nên vào, nhưng đã vào thì gọi là lén vào, từ cửa thứ nhất đến cửa thứ hai khinh trọng có sai biệt. Ông làm quan đến Hàn lâm học sĩ cho đến khi qua đời, thọ chín mươi ba tuổi. vua tặng hiệu là Thái Phó Quốc Công, thụy là Văn Trung. Năm Tân Mão, niên hiệu Chí Nguyên hai mươi tám, động đất ở Bình Dương phá hủy nhiều

nhà cửa của nhân dân, gồm một vạn tám trăm hai mươi sáu khu, chôn vùi một trăm năm mươi người.

Toàn thái hậu làm Ni, Luy Quốc công làm Tăng, được cấp ba trăm sáu mươi khoảng, miễn đóng thuế.

Năm Nhâm Thìn, Niên hiệu Chí Nguyên hai mươi chín, Dương Cung Hy phụng sự Triều Nguyên. Lúc đầu ông và Hứa Hành đều được triệu dùng nhưng không chịu. Sau thái tử Chân Kim bảo Hữu ty theo việc nhà Hán lễ mời Tứ Kiểu ngày xưa để mời ông, ông bèn nhận lời, lo việc khảo chánh lịch pháp. vua phong cho chức Tập Hiền Học sĩ cho đến khi qua đời.

Niên hiệu Chí Nguyên thứ ba mươi, năm Quý Tỵ. Lưu Văn Tĩnh tánh cẩn trọng, không thích giao lưu, nên ẩn cư, chỉ dạy đạo làm thầy rất tôn nghiêm. Ông mất năm bốn mươi lăm tuổi. Được tặng hiệu là Học sĩ, thụy là Văn Tĩnh. Ông có soạn Tứ Thư Tinh Yếu Thi Tập năm quyển.

Hoàng Tôn Thiết Mộc Nhĩ Tổng Binh phía Bắc Triệu Bá Nhan đến Đại Đồng, trước khi đi Mộc Nhĩ rót rượu tiễn và hỏi rằng: Ngài đi có lời gì chỉ dạy tôi chăng?

Bá Nhan nâng chén rượu và nói rằng: Việc cần phải thận trọng thì chỉ có cái này và nữ sắc!

Vân Phong thị tịch: Thiền Sư Vân Phong thuộc đời bốn mươi ba tại Kính Sơn, Hàng Châu, húy Diệu Cao, người Trường Khê, Cú chi. Đầu tiên Sư lễ cầu Vân Mộng Trạch Công thọ giới Cụ túc, tham học nơi Thiền Sư Tuyệt Xung, kế đến tham kiến Ngài Vô Chuẩn ở Kính Sơn, rồi tham kiến Yển Khê ở Chùa Dục Vương, được chọn làm đệ tử thân cận, quản lý Tạng Kinh.

Một hôm Yển Khê nói rằng: Ví như con bò chui qua cửa sổ, đầu sừng và bốn chân đều qua được, ngặt chỉ còn cái đuôi là kẹt lại không qua được.

Sư nghe câu này bỗng nhiên tỉnh ngộ, đáp rằng: Cá kình hút hết nước biển, lộ ra một cành san hô.

Yển Khê hứa Khả. Sư đến Chùa Đại Lô ở Nam Hưng hoằng hóa, lại dời đến Chùa Khuyến Trung ở Giang Âm và Chùa Hà Sơn ở Tuyết Xuyên, Tăng Chúng khắp nơi đến tham học rất đông. vua lại ban sắc Sư đến Tưởng Sơn, đến năm Canh Thìn niên hiệu Chí Nguyên lại dời đến Kính Sơn, hai lần gặp lửa thiêu, gian khổ trùng hưng, sau theo lệnh vua về Kinh đối trước hoàng đế luận thiền.

Hoàng Đế rất vui mừng ban cho thức ăn và phòng xá. Vào mồng một tháng sáu năm này Sư tập chúng vào thời Tiểu tham chỉ dạy, đến ngày mười bảy sau khi thuyết kệ xong thì thị tịch, thọ bảy mươi lăm tuổi, năm mươi chín hạ lạp, tháp lập ở Cư đảng am phía Tây của Chùa.

Nước Hồi Hồi Bột dâng hiến một hạt Châu lớn, định giá khoảng vài vạn đỉnh tiền.

Vua nói rằng: Châu báu mà làm gì?

Nên giữ tiền này để chu cấp cho dân nghèo.

Tháng mười sao chổi xuất hiện, nhập vào Tử Vi Viên đến chòm Đẩu khôi gồm các sao xu, tuyền, cơ, quyền trong Bắc Đẩu, các tia sáng kéo dài hơn một thước, trong một tháng sao mới tắt.

Ngày Nhâm Tý mồng một tháng giêng mùa Xuân năm Giáp Ngọ, niên hiệu Chí Nguyên ba mươi mốt. hoàng đế bất an, không lâm Triều, đến ngày Quý Dậu thì băng hà, hiệu là Thế Tổ Thánh Đức Thần Công Văn Võ hoàng đế.

Khi Thế Tổ chưa lên ngôi đã từng xuất chinh đến Tây quốc, lấy đức hiếu sinh làm trách nhiệm, trên đường mê may gặp được Tăng, mở đường thọ ký. Do đó mới làm thiên hạ xán lạng, thống nhiếp vạn bang, hoằng dương Mật thừa, xương minh Tam Bảo. vua thỉnh tượng quý Chiên đàn vào nội cung, an trí nơi điện Nhân Trí ở Vạn Tuế sơn, là một báu vật của hiện đời, lại xây dựng Đại Thánh Thọ Vạn An tự để phụng thờ, hầu làm cho tất cả mọi người được chiêm lễ.

Tháp Định Quang Phật bỗng nhiên phóng ánh sáng, vua sai mở tháp, thì thấy bên trong có Xá Lợi chiếu sáng lóa mắt người.

Do đó trùng tu tháp này, lại sai người chép Tạng Kinh bằng chữ nhủ vàng, định vẽ đồ tượng ở ngoài trục, nhưng chưa vẽ thì vua nói rằng: Kinh này là do Thích Ca Như Lai tuyên thuyết, thì chỉ nên vẽ bậc chủ thuyết Kinh, hầu khiến cho người xem, đọc biết có nguyên nhân.

Vua ban chiếu khắp thiên hạ mỗi năm nên thực hành bố thí, độ Tăng, tụng đọc Đại Tạng Kinh. Tùy nơi hoặc phóng ánh sáng hoặc hiện điềm lành không đồng.

Vua ban chiếu cho đại đức giảng Kinh Hoa Nghiêm vào Đại Tự ở Kinh thành thuyết giảng để hiểu rõ sự tôn quý của Như Lai. Vua lại lập đại hội Thất xứ, phóng ánh sáng hiển thị huyền chỉ Thất xứ bảy nơi của Kinh Hoa Nghiêm. Vua lại dùng nhủ bằng vàng sắc cho Tăng Nhu chép Đại Tạng Kinh cất giữ trong hòm bảy báu, mong lưu truyền ở vạn thế.

***