Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

THÍCH THỊ KÊ CỔ LƯỢC TỤC TẬP - PHẦN MƯỜI BẢY

THÍCH THỊ KÊ CỔ LƯỢC TỤC TẬP

Giảng giải: Tỳ Kheo Đại Văn Huyễn Lâm
 

PHẦN MƯỜI BẢY
 

Tăng Cương Ty các phủ quản lý việc Tăng giáo trong phủ của mình: Gồm một vị Đô Cương hàm Tòng Cửu Phẩm, một viên phó Đô cương.

Đạo Kỷ ở các phủ quản lý việc Đạo giáo ở phủ của mình: Gồm một vị Đô Kỷ hàm Tòng Cửu Phẩm và một vị phó Đô Kỷ.

Ở các châu thì có Tăng Chánh Ty, gồm một vị Tăng Chánh, Đạo Chánh Ty có một vị Đạo Chánh, quản lý việc về Tăng, Đạo trong châu của mình.

Ở các huyện thì đặt Tăng Hội Ty có một vị Tăng Hội, Đạo Hội Ty có một vị Đạo Hội, mỗi mỗi quản lý các việc về Tăng, Đạo trong huyện của mình.

Chùa, quán của Tăng, Đạo ở các phủ, châu, huyện đều phải về Tăng Lục Ty nhận khám trí văn sách để Tăng, Đạo khai tên họ, năm sinh, Bố chánh nào, phủ nào, châu, huyện nào, xuất gia ở Chùa nào, năm nào, Bổn Sư là ai. Đầu tiên làm Hành đồng mấy năm, đến năm nào, thí chủ nào cạo tóc đội mũ, được cấp độ điệp vào năm nào, tất cả đều phải khai báo.

Báo trình tất cả những Chùa, quán có bảng hiệu ở khắp nơi: Cần kê khai rõ bản tự, bản quán được vị Tăng nào xây dựng, vào triều nào, do Đạo sĩ nào sáng lập, hoặc do thiện nhân nào cúng đường.

Tăng Đạo Lục Ty Nha Môn hoàn toàn y theo phép tắc đời Tống, quan không chu cấp bổng lộc, các viên chức nhỏ và các lính canh hợp thành nhân số sử dụng. Đồng thời lấy Tăng Ni, Đạo Sĩ, các người làm ruộng, nô bộc làm việc.Thể thống của Tăng Đạo Lục Ty tương đồng với Khâm Thiên Giám. Khi ra vào triều đình cho phép dùng tàn lọng của phẩm hàm mình, nếu gặp quan cao hơn thì phải xếp lại.

Trụ trì các Chùa, Đạo quán các nơi, phải do Nha Môn của Tăng, Đạo nơi ấy tiến cử bảo đảm. Chọn những vị có đầy đủ giới hạnh, tinh thông Kinh điển đưa đến nha môn quản hạt, kế đến chuyển lên Tăng Lục Ty, hoặc Đạo Lục Ty khảo thí, nếu trúng tuyển sẽ chuyển sang Bộ lễ soạn tấu văn.

Những Tăng Ni, Đạo sĩ nào ở các phủ, châu, huyện chưa có độ điệp, cho phép Tăng Đạo nha môn quản lý nơi ấy ghi chép danh sách và dẫn lên Tăng Canh Ty, Đạo Kỷ Ty, sau chuyển đến Tăng Lục Ty, Đạo Lục Ty khảo thí, nếu người nào thông Kinh Điển thì chuyển sang Bộ lễ trình tấu văn xuất cấp.

Tăng Đạo Nha Môn ở Kinh Đô hay các nơi khác, cần phải chuyên nhất ước thúc Tăng Ni, Đạo Sĩ. Yêu cầu cần thiết là mỗi mỗi phải kính giữ giới luật, xiển dương giáo pháp. Như có người vi phạm thanh quy, chẳng giữ giới luật, tranh giành, kiện tụng, thì cho phép theo luật trị phạt, quan lại không được can dự.

Nếu phạm gian dâm, trộm cướp, phá hoại phép tắc kỷ cương, mà dính dáng đến quân dân, nếu ở Kinh Đô thì giao cho Bộ lễ liệu định, theo tình thẩm xét, nếu nặng thì tống giam để tra hỏi. Còn ở các nơi thì cho phép quan ở địa phương đó phân xử.

Năm Nhâm Tuất niên hiệu Hồng Võ mười lăm, tiền Thái Tử Chánh Tự Tấn phủ Trưởng Sử Quế Nhan Lương vào triều dâng Vạn Thế Thái Bình Trị Yếu Thập Tam Sự, Đế vui mừng nhận lấy.

Ngày sáu tháng ba, Tào Quốc Công khâm phụng thánh chỉ ban lệnh rằng: Ruộng đất của Tăng, Đạo trong thiên hạ theo quốc pháp thì không được mua. Tăng nghèo thì Chùa sẽ nghèo, ruộng đất của thường trụ theo phép không được bán. Nếu có người như thế thì sẽ tịch biên toàn gia sản.

Khâm thử! Ngày hai mươi hai tháng bốn chuẩn y theo sự tấu trình của Bộ lại, tấu trình tấn phong của Tăng Đạo Lục Ty, Bản Bộ thông tri cho Tăng Lục Ty biết nay vị Tăng tên Giới Tư làm Tả Thiện Thế, Tông Lặc làm Hữu Thiện Thế, Trí Huy làm Tả Xiển giáo, Trọng Hy làm Hữu Xiển giáo, Phi Thái Phác làm Tả Giảng Kinh, Nhân Nhất Sơ làm Hữu Giảng Kinh, Lai Phục làm Tả Giác Nghĩa, Tông Sưởng làm Hữu Giác Nghĩa.

Ngày hai mươi lăm tháng tư, Bộ lễ vì việc Hoàng thượng phê chuẩn việc thiết lập Tăng Đạo Nha Môn, nên nay chế định những sự lý mà các quan viên Bản Ty chấp chưởng.

Liệt khai ra mong rằng ngày sau y chiếu theo đây mà tuân phụng thi hành: Giới Tư chủ quản sử dụng ấn, Tông Lặc niêm văn kiện đóng dấu, phàm có hành sự gì, chư Tăng cần phải mời tất cả Tăng quan nơi ấy đến ghi tên, ký vào rồi đồng đóng dấu, nếu thiếu một người thì cũng không được dùng dấu. Việc tha người không nằm trong điều này.

Giới Tư đôn đốc chúng tăng tọa thiền, tham cứu công án, quản lãnh việc trong giáo môn.

Trí Huy, Trọng Hy cũng đôn đốc người tu tọa thiền. Như Phi và Thủ Nhân tiếp nhận vật cúng của thí chủ ở các nơi, đồng thời phát minh Kinh giáo.

Lai Phục, Tông Sưởng lo việc ước thúc giới hạnh của Tăng Ni các Chùa. Những người chẳng hành theo Thanh quy thì theo pháp mà kiềm chế. Lại quản lý lương thực, tiền tài, sản nghiệp của Chùa Đại Thiên Giới và những tài vật mà tín thí các nơi cúng đường.

Tất cả đều phải ghi chép rõ ràng vào sổ sách. Còn các việc mà các Tăng quan khác nắm giữ, thì Tông Sưởng cũng đều phải kiêm xử lý. Còn việc khảo thí Tăng nhân trong thiên hạ có khả năng hay không, thì tất cả đồng nhau nghị bàn, rồi ghi chép đầy đủ chân thật vào tấu văn.

Ngày hai mươi mốt tháng năm, Bộ lễ xét biết được sự thiết lập Chùa Phật gồm ba cấp là Thiền, giảng và giáo. Thiền thì chẳng lập văn tự, thấy được tâm tánh mới là bản Tông. Giảng thì mong được rõ nghĩa các Kinh. giáo thì diễn bày pháp cứu tế lợi sinh của Phật, làm tiêu trừ tất cả các nghiệp tạo ở hiện đời, rửa sạch tất cả oan khiên đời trước cho người chết, để giáo huấn người đời.

Ngày hai mươi tháng này quan viên Bản viện khâm phụng thánh chỉ phong Tăng là Hành Quả làm Tả Xiển giáo, Như Cẩm làm Hữu Giác Nghĩa, đến Chùa Năng Nhân lập đạo tràng Ứng cúng. Phàm Tăng sĩ các Chùa Viện Ứng phó lớn nhỏ, trong ngoài Kinh thành được phép về Chùa Năng Nhân, cùng nhau xem Kinh, làm tất cả các Phật sự.

Nếu chẳng theo đây mà khởi tham danh sắc, riêng làm Phật sự, thì nhờ Tăng quan ở Chùa Năng Nhân hỏi tội. Nếu là Tăng ở phương xa vân du đến xem Kinh, mộ hóa và được bá tánh tự nguyện cung cấp thì không bị lệ thuộc vào quy định này. Tuân phụng chiếu này, nêu ra một hiểu dụ phụ khác khiến Chư Tăng tại các tự viện ứng phó vâng mệnh thi hành.

Dụ cho chư Tăng ở Chùa Chung sơn.

Sắc ghi: giáo của Phật là thiện, nghĩa ấy rất lớn bao trùm cả sinh tử.

Trọng Ni nói rằng: Phương Tây có bậc Đại Thánh, chẳng nói mà giáo hóa, chẳng trị mà chẳng loạn.

Đáng là bậc Năng Nhân vậy! Vì sao gọi là Đại Giác Kim Tiên?

Lại được khen là Năng Nhân?

Vì Ngài chẳng trói buộc kẻ ngu mà kẻ ngu tự hóa, khen tặng người thiện mà người thiện sáng tỏ. Ngài hành khổ mà chẳng khổ, tâm trong sạch mà chẳng sạch, tuy chỉ là ngọn đèn lẻ loi trên tuyết lảnh mà tựa như độc ảnh giữa trời quang.

Mắt thấy sao mai liền kiến tánh, siêu xuất thế trần, mà lại đến cõi trời người bốn mươi chín năm thuyết pháp. Diệu thuyết ấy được ghi chép đủ trong Đại Tạng Kinh, mà chưa từng có kẻ trốn tránh triều đình, giải oan khiên nơi nước lửa, hà huống gì khi xưa ở Kỳ thọ, một ngàn hai trăm năm mươi vị, cũng chưa nghe nói có người là kẻ lưu vong!

Trọng Ni nói rằng: Đạo của nước vạn cổ xe thì kính mà tin, tiết kiệm mà thương người.

Nay có vị Tăng làm ruộng vườn mà bỏ trốn, do chưa biết tiết kiệm mà dẫn đến như thế ư?

Hay thương người mà có như thế?

Nếu chẳng phải thế mà có như thế thì nên phủ dụ vị Tăng ấy rằng: Nên tự mình đến, nếu luận theo luật pháp thì tổn thương Phật tánh! Nên như sắc chỉ phụng hành!

Dụ Tăng tên là Thuần Nhất rằng: Xưa Đức Thích Ca vì đạo mà sống một mình nơi núi tuyết, không can dự đến thế tục. Đến khi thành đạo thì hai bên khéo đủ, trên dưới linh thông, khiến quỷ thần hộ vệ mà cảm đức độ. Vì thế người lành ngày càng nhiều, kẻ ác ngày dần ít.

Sở dĩ bậc nhân chủ mỗi lần giảm hình pháp thì thiên hạ thạnh trị, vì đó chẳng phải là vua giảm hình pháp, mà do Phật giáo hóa cùng khắp cảm được như thế.

Cho nên Liễu Tử Hậu nói rằng: Âm thầm bảo vệ vương pháp.

Khanh Sa Môn Thuần Nhất, đã lìa bỏ cha mẹ để làm Tăng, nên vào núi sâu kết am tranh tĩnh tu tâm tánh, để trên thì thần dạo chơi nơi ba cõi, dưới thì cứu khổ chốn minh đồ.

Khiến người sống mến mộ, kẻ chết hoài mong, đồng thời mở rộng lưới giáo của Phật, há chẳng phải là điều nên làm của người tu hành ư?

Do đó người đời cùng nhau học tập theo, dù không ở một mình nơi vắng vẻ, thì cũng ở tại gia mà hành thiện, chứ đâu được hưởng sự an thái khác với thế tục?

Nhân đó là chỗ đến của khanh, mà khanh đã chẳng thể được như thế, lại ra vào triều đình, muốn dốc sức phò trì, ý muốn xây dựng Chùa viện to lớn nguy nga, gom chứa tiền tài để bồi dưỡng thân mình.

Ai chẳng biết tiền tài đã tích chứa thì dâm dục nổi lên, huống gì Đức Thế Tôn khi xưa bỏ cung điện khổ hạnh sáu năm, đại ngộ, tâm thông, đến hôm nay mới có Tôn tượng uy nghiêm, lâu đài chất ngất, vàng ngọc rực rỡ huy hoàng, Trung Quốc và bốn phương nơi nơi đều có.

Có phải là Đức Thích ca cảm nên như vậy chăng?

Hay là gom góp tiền bạc mà làm nên vậy?

Khanh chẳng biết, nên chẳng tu tập bên trong mà tu bên ngoài, do đó không thể đáp ứng được nhiệm vụ đặc biệt. Nay cho phép khanh đi, lệnh cho quan chủ quản cấp tiền lộ phí, để tìm các bậc danh đức tu học, hầu giác ngộ cái thiện nơi đạo của mình để giúp người cũng được thiện được thế thì ngày sau đạo ắt sáng tỏ nơi hoàn vũ.

Như vậy há chẳng thể sánh được với đạo của Phật ư?

Tháng sáu, ngày Bính Tuất, Mã hoàng hậu băng hà. Hoàng hậu tánh cần kiệm, áo quần vải vóc không chi phí nhiều.

Bà từng nói với các Vương phi công chúa rằng: Sinh trưởng nơi giàu sang, nên biết đến sự khó khăn của nghề dệt vải, vì trời đất mà thương tiếc muôn vật! Đế dùng uy vũ để trị thiên hạ, còn hậu thì thường giúp đỡ để tỏ lòng nhân. Khi băng hà, bà mới năm mươi mốt tuổi, Đế tiếc thương nên đến cuối đời vẫn không lập thêm hậu.

Đến tháng chín thì an táng Hoàng hậu tại Hiếu Lăng ở Chung Sơn, thụy là Hiếu Từ hoàng hậu niên hiệu Vĩnh Lạc gia phong thụy là Hiếu Từ Chiêu Hiến Chí Nhân Văn Đức Thừa Thiên Thuận Thánh Cao. Đế ban chiếu tuyển Cao Tăng phân chia phụ giúp các Vương.

Lệnh cho vị Tăng tên là Đạo Diễn trụ trì Chùa Khánh Thiền ở phủ Yên vương. Sư Đạo Diễn tức là Dao Quảng Hiếu, người Cô Tô, xuất gia làm Tăng từ thuở nhỏ, thích đọc sách, giỏi thơ văn. Sư từng gặp dị nhân truyền dạy có thể biết được điều tốt xấu của người.

Ông lại rất giỏi về thuật số. Lúc Thái tổ chọn danh Tăng để phụ giúp các vương, lúc ấy Văn hoàng đế còn là Yên Vương, Quảng Hiếu tự đến nói với Yên Vương rằng: Nếu Điện hạ dùng thần, thần nguyện sẽ trao cho Đại Vương đội chiếc mũ trắng. Do đó Yên Vương đến xin Quảng Hiếu về mình, Thái Tổ chấp thuận. Vì chữ vương thêm chữ bạch ở trên thì thành chữ hoàng, tức lúc ấy Quảng Hiếu đã biết Yên Vương về sau sẽ có thiên hạ, lên ngôi hoàng đế.

Các năm cuối của niên hiệu Hồng Võ có quân Tĩnh nạn khởi lên, đều do mưu của Quảng Hiếu.

Đầu năm Vĩnh Lạc ông được thăng làm Thái Tử Thiếu Sư phụ tá cho Đông Cung, lấy lại tục Oanh, nhưng chẳng để tóc và cưới vợ cho đến cuối đời, sau khi qua đời được phong là Vinh Quốc Công, thụy là Cung Tỉnh, được cúng tế ở Thái miếu.

Xét việc Dao Quảng Hiếu gặp Văn hoàng đế, cũng giống như Lưu Cơ gặp Thái Tổ, đều là gởi mệnh nơi cõi trời chứ chẳng phải ngẫu nhiên.

Khi Quảng Hiếu phụ giúp Văn hoàng đế tại Yên Phủ, một hôm trời lạnh, Yên Vương ra vế đối rằng: Thiên hàn địa đống, thủy vô nhất điểm bất thành băng.

Ông đối lại: Quốc loạn dân sầu, Vương bất xuất đầu thùy tát chủ.

Văn hoàng đế rất vui. Về sau ông chọn ngày cử binh, đến lúc ấy trời mưa to gió lớn, Văn hoàng đế nói: Xuất binh mà gặp mưa to gió lớn là điều cấm kỵ của binh gia.

Quảng Hiếu nói: Điện hạ là một con rồng, cần phải có mưa to gió lớn hỗ trợ mới được thế ban đầu vùng khởi! Quả nhiên ứng nghiệm.

Năm Quý Hợi niên hiệu Hồng Võ mười sáu, Ngô Thẩm… dâng Tinh Tấn Lục. Đầu tiên đế nói với Thẩm… rằng, trẫm xem các Thánh hiền từ xưa dạy dỗ, lập giáo không ngoài ba điều quan trọng là: Tôn kính trời, trung với vua, hiếu với cha mẹ.

Vua tôn kính trời, thần trung với vua, con có hiếu với cha mẹ, thì nhân đạo được lập. Nhưng những lời này chỉ thấy rải rác trong các Kinh truyện, không dễ gì nhận ra được điều cốt yếu đó. Nay các ông phân loại ba việc này để biên tập lại thành sách mà dâng lên vậy trẫm đề tên là Tinh Thành Lục.

Sáng sớm ngày hai mươi mốt tháng năm, các Tăng quan của Tăng Lục ty khâm phụng thánh chỉ đến Phụng Thiên Môn khảo đính và hoàn bị nghi thức pháp sự Du Già Bí mật cùng các chân ngôn mật chú, thành một pháp quy nhất định, hành trì trong các tu viện khắp thiên hạ, vĩnh viễn tuân thủ. Đó là đạo con hiếu cháu thuận, tận xót cư tang cha mẹ, tận kính tế lễ tổ tiên. Nhân dân khắp châu huyện khi có cúng tế cầu nguyện đều thỉnh về sử dụng.

Tăng Lục Ty lập văn thư báo cho trụ trì các tự viện và tăng quan các nơi biết rõ, mỗi mỗi đều sai người về Kinh, đến cổng nội phủ lãnh nghi thức pháp sự trở về học tập, sau ba năm những vị Tăng trì Du Già giáo, khi đến Kinh khảo thí, nếu người nào thông thạo được nghi thức chế định hôm nay thì mới được làm Tăng.

Nếu người nào chưa hiểu, tụng niệm chưa thông thuộc, thì cho phép đến kỳ sau thi lại. Nếu vị nào giỏi ghi nhớ tụng thuộc mà chưa có độ điệp, thì sau khi thi xong, đến quan cấp phát. Nếu người nào chẳng đỗ thì trở về làm dân.

Khâm thử!

Văn dụ các Thiện Thế ở Chùa Thiên Giới: Ta từng nghe giáo của Thích ca cốt đạt được an tĩnh, không ồn náo, luôn luôn tẩy tâm, rửa sạch tư duy, trừ bỏ ma năm dục, thanh tịnh gốc sáu căn. Tuy chưa đạt đến quả viên giác lục thông, nhưng tương lai ắt đạt được. Vì thế người tu hành cần phải gắng sức.

Hành tức thực hành, công tức là tạo lập gom chứa. Phàm người tu hành trước nên gát qua sự chứng nghiệm, không nên quá gấp, lại chẳng mong cầu như thế mà được như thế! Người học ngày nay mong cầu chứng nghiệm, muốn cho nhanh chóng, mờ mịt lâu ngày, tâm không nhẫn nại được, suy nghĩ chẳng rời trần tục, cho rằng các vật trên đời này đều tồn tại. Do đó mà mất đạo mê tông. Oan khiên nặng cao như núi.

Tin rằng gần đây Tả Thiện Thế, Hữu Thiện Thế, Tả Giác Nghĩa dục chẳng đoạn thì sự phát sinh, dẫn đến có gián sử của Già lam phạm phải hiến chương, việc này chẳng phải do người khác gian cáo, cũng đâu phải là trẫm nói không đúng. Nhưng tự tạo ra định nghiệp, thì cho là dục khó trừ, thật không dễ giải phân.

Đó là hạnh gì vậy?

Tất cả đều chẳng cầu an tĩnh, mà lại thích ồn náo, việc sinh thì tự chuốc lấy.

Người tu hành nên biết rõ!

Mùa xuân năm Giáp Tý niên hiệu Hồng Võ mười bảy, ban hành thể lệ thi cử, ba năm một kỳ Đại Khoa. Từ đây đã thành định thế. Tìm cầu người có đức hạnh nổi tiếng ở các châu huyện, kiểm xét tuổi tác tướng mạo trình lên triều đình.

Văn dụ cho ba vị Tăng phạm Luật ở Chùa Thiên Giới tên là Giới, Lặc, Phục.

Dụ rằng: Chí là để tôn trọng thanh danh, lập tiết nghĩa, dẹp cái xấu xa. Hàng trượng phu mà cử dương điều này, ắt là muốn siêu quần bạt tụy, khác với kẻ hẹp lậu. Trí là dùng để biết, biết không gì chẳng biết. Lấy đó để giác, giác mà không đâu không siêu tuyệt.

Như vậy há có điều quá khứ mờ mịt mà không truy cứu ư?

Chí và trí này ở trong trời đất, người sinh ra mà biết thì khéo sử dụng, dạy mà biết thì khéo giữ gìn.

***