Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

TÔNG CHỈ PHÁI LÂM TẾ

TÔNG CHỈ PHÁI LÂM TẾ

Giảng giải: Pháp Sư Huệ Hồng, Đời Tống
 

Thiền Sư Phần Dương Thiện Chiêu dạy chúng rằng: Bậc Thánh xưa nói: Một câu có đủ tam huyền, trong mỗi huyền cần đầy đủ tam yếu.

Thế nào là câu tam huyền, tam yếu?

Hãy mau chóng lãnh hội, mỗi mỗi tự suy ngẫm đã được thỏa hay chưa?

Các bậc Cổ đức đi hành cước, khi nghe một nhân duyên mà chưa tỏ ngộ thì ăn không ngon, ngủ không yên, khẩn cấp giải quyết.

Đâu thể cho là việc nhỏ?

Vì thế Đức Phật xuất hiện ở thế gian là vì một Đại Sự nhân duyên. Xét ra những bậc Cổ đức từ xưa đến nay, hành cước không phải để du sơn, ngoạn thủy. Không phải để ngắm những cảnh xa hoa ở đô thị. Không phải vì miếng cơm, manh áo mà đều vì chưa tỏ ngộ tâm Thánh.

Sở dĩ họ dong ruổi hành cước là vì giải quyết những chỗ sâu kín, xiển dương giáo pháp, thưa hỏi bậc tiền bối, gần gũi bậc cao đức. Vì giữ gìn đèn Phật tâm, nối tiếp giống Phật Tổ, hưng thịnh giòng Thánh, tiếp dẫn người sau, tự lợi lợi người mà không quên hành nghi của Chư Tổ.

Như ngày nay có ai thương lượng chăng?

Nếu có, hãy bước ra cùng đại chúng thương lượng!

Vị Tăng hỏi: Thế nào là câu tiếp dẫn người sơ cơ?

Đáp:  Ông là vị Tăng hành cước.

Lại hỏi: Thế nào là câu phân biệt nạp Tăng?

Đáp: Mặt Trời mọc ở hướng Tây vào giờ mão.

Hỏi tiếp: Thế nào là câu chính lệnh hành?

Đáp: Nghìn dặm mang đến để trình mặt mũi xưa nay.

Hỏi: Thế nào là câu thành lập Trời đất?

Đáp: Lúa Bắc Cu Lô Châu, người ăn thì không giận cũng không vui.

Sư nói: Chỉ đem bốn chuyển ngữ này mà nghiệm nạp Tăng trong thiên hạ. Cho nên, vừa thấy ông đưa ra thì đã biết rồi.

Tăng hỏi: Thế nào là chỗ dụng công của người học?

Đáp: Gia Châu đánh pho tượng lớn.

Hỏi: Thế nào là chỗ chuyển thân của người học?

Đáp: Thiểm Phủ tắm trâu sắt.

Hỏi: Thế nào là chỗ thân thiết của người học?

Đáp: Tây Hà vờn Sư Tử.

Sư nói: Nếu người nào lãnh hội ba câu này thì đã phân biệt được tam huyền. Lại còn có tam yếu, cần phải biết rõ, không nên bỏ qua.

Sư tụng kệ:

Tam huyền tam yếu thật khó phân

Được ý quên lời đạo dễ gần

Một câu thấu suốt trùm vạn tượng

Tiết trùng dương đến cúc tươi nhuần.

Lãnh hội chăng?

Nếu lãnh hội được thì không phải là nạp Tăng nóng tính.

Còn về nhân duyên tam huyền, ông lãnh hội được chăng?

Chỉ cần lãnh hội được ý chỉ của người xưa thì tự tâm sáng tỏ, lại được biến thông cùng khắp, tự tại thọ dụng vô cùng, đó gọi là tự thọ dụng thân Phật, không cần người khác dạy mà cũng biết kế sống nhà mình.

Do đó Ngài Nam Tuyền nói: Vương Lão Sư hơn tám mươi tuổi mới hiểu kế sống.

Tăng hỏi tiếp: Người xưa tám mươi tuổi mới hiểu kế sống, nhưng chưa biết tạo kế sống gì?

Đáp: Hai con trâu đực, hai sừng không cong.

Lại nói: Nếu muốn tỏ ngộ việc này, chỉ cần đạt chỉ thú tam huyền, lúc ấy thọ dụng tự tại, nhà mình khóai lạc, sung sướng một đời. Bậc đại trượng phu chớ tự cô phụ, gặp việc không thông, không ích lợi gì cho người.

Ta nói cho ông và mọi người nghe:

Huyền thứ nhất:

Pháp giới rộng vô biên,

Sum la và vạn tượng

Đều hiện đủ trong gương.

Huyền thứ hai:

Thích Ca hỏi A Nan,

A Nan theo việc đáp,

Bình bát thể vuông tròn.

Huyền thứ ba:

Chỉ hiện trước vua xưa,

Ngoài tứ cú bách phi,

Lư Thị hỏi Phong Can.

Sư nói: Đây là bài tụng về tam huyền.

Còn thế nào là ý thú tam huyền?

Dầu cho ông phân biệt rõ ràng đi nữa, cùng chỉ hiểu một cách sai lầm, không căn cứ.

Ta từng gần gũi Hòa thượng và đã nghe dạy: Ví như dùng lời hư dối, lừa gạt người khác, có ngày ăn gậy sắt, chớ bảo rằng ta không nói trước.

Lại nhân việc hái hoa cúc, Sư bảo chúng rằng: Hoa vàng khắp đất, nhụy ngọc rợp trời, mặt trời trên không, càn khôn sáng rực, mây giăng làm mưa, lộ kết thành sương, không làm tổn vật, hại nghĩa.

Thử nói một câu được không?

Nếu nói không được, tức trong mắt có bụi, cần phải lấy ra mới được.

Do đó, Ngài Phong Huyệt nói: Nếu lập một trần, đất nước hưng thịnh, kẻ quê mùa lo buồn. Không lập một trần, đất nước suy vong, kẻ quê mùa an vui. Ngay đây tỏ ngộ thì xà lê không có phần, toàn là phần của lão Tăng. Ngay đây mà tỏ ngộ thì lão Tăng chính là xà lê. Lão Tăng với xà lê cũng có thể khai ngộ người trong thiên hạ, cũng có thể che mắt người trong thiên hạ.

Ông muốn biết lão Tăng và xà lê ở đâu chăng?

Sư vỗ đùi nói rằng: Đây là xà lê! Đây là lão Tăng.

Lại hỏi các Thượng Tọa: Lão Tăng và Xà Lê giống hay khác. Nếu nói giống thì Thượng Tọa tự là Thượng Tọa, lão Tăng tự là lão Tăng. Nếu nói là khác, thì lão Tăng chính là Xà Lê.

Nếu ngay đây mà hiểu được thì trong một câu có tam huyền, tam yếu, chủ khách rõ ràng, việc bình sinh giải quyết xong, hoàn tất việc tham cứu.

Cho nên, Vĩnh Gia huyền Giác nói: Xương tan thịt nát cũng đền, thấu rõ được một câu, vượt tất cả. Lại nói hai vị Thủ tọa ở hai nhà Tăng, một hôm gặp nhau cùng hét.

Vị Tăng hỏi Lâm Tế: Có chủ, có khách không?

Đáp: Chủ khách rõ ràng.

Sư làm kệ rằng:

Hai vị Thủ tọa đều tác gia

Trong đây đạo lý có phân ra.

Chủ khách rõ ràng như gương sáng

Tông sư mắt nhặm thấy không hoa.

Cư sĩ Vô Tận nói với tôi rằng: Phần Dương là đích tôn năm đời của Lâm Tế, người học trong thiên hạ đều tôn sùng, xem đề cương thì rất sâu rộng, nhưng chỉ bàn về tam huyền, tam yếu.

Ngày nay pháp phái này đều cho tam huyền, tam yếu là lời lập ra cho một giai đoạn, không có ích cho đạo, nhưng đối với các pháp không sinh dị kiến. Tất cả bình thường, chính là hợp ý tổ xưa nay.

Lời ấy đúng chăng?

Tôi nói: Cư sĩ nghe lời ấy, rõ ràng đã thấu hiểu, sao lại nghi ngờ cương yếu Phần Dương?

Cư sĩ lại nói: Tôi vẫn còn nghi mà chưa giải quyết được.

Tôi bảo: Đó chính là lý do lập ra tam huyền tam yếu. Nói trong một câu có đủ tam huyền, trong một huyền có đủ tam yếu. Có huyền có Yếu chính là pháp tràng thanh lương tịch diệt ở trong biển nhiệt não của tất cả chúng sinh.

Dựng pháp tràng này thì như bôi chất độc lên trống rồi đánh thì những người nghe đều chết. người ở xa thì chết sau. Nếu như người không bị nghiệp hoạnh tử thì dù nghe cũng không chết.

Lâm Tế lúc còn tại thế, các vị Hưng Hóa Tôn Tưởng, Tam Thánh Huệ Nhiên, Bảo Thọ, Thượng Tọa Định vừa nghe liền chết. Sau hơn trăm năm có người nghe ngộ ý chỉ ấy, tức là người chết sau.

Nhưng các pháp phái cho rằng không ích gì cho đạo, là nói người không bị hoạnh tử. Tông phong của Tổ như vách cao vạn trượng, con cháu sợ, nên thích đi con đường bằng phẳng bình dị. Đó là Phật Pháp suy đồi.

Như sĩ đại phu tự xưng là học trò của Khổng Tử mà chê phần Hệ từ của Kinh Dịch thì đứa bé ba tuổi sẽ cười cho. Lâm Tế chỉ nói trong một câu đủ tam huyền, trong một huyền đủ tam yếu, có huyền có yếu mà thôi.

Ban đầu thì chưa thấy được huyền trong câu, huyền trong ý, huyền trong thể, nên Tháp chủ lầm lẫn ba câu của huyền sa là tam huyền. Nên chỉ phân tam huyền mà bỏ sót tam yếu. Trong tùng lâm vẫn để như thế mà không cho là sai, thật đáng buồn.

Huyền Sa nói: Chân thường lưu chú là pháp bình đẳng, chỉ là dùng lời bác lời, dùng lý đuổi lý. Vì vậy, rõ trước mà không rõ sau. Bởi lượng phần chứng Pháp Thân chưa có câu siêu việt, nên chết dưới câu ấy.

Nếu như biết lượng siêu việt thì không bị tâm ma sai sử, nắm chắc trong tay, xoay chuyển tự tại. Đó gọi là thông đại đạo, vượt ra ngoài cái thấy bình thường.

Đây là câu thứ nhất, người xưa gọi đó là huyền trong câu. Xoay cơ chuyển vị, sinh sát tự tại, nắm buông tự nhiên, vào sinh ra tử, làm lợi ích cho tất cả mọi người, thoát xa cảnh sắc dục, ái kiến.

Đây là câu thứ hai, xưa gọi đó là huyền trong ý. Rõ suốt được Trời Đất, trùm khắp pháp giới. Một thể tánh chân thường diệu dụng hiện tiền, ứng hóa không cùng, toàn dụng mà toàn chẳng dụng, toàn sinh mà toàn chẳng sinh, tạm gọi là cửa từ định. Đây là câu thứ ba, người xưa gọi là huyền trong thể.

Phù Sơn Viễn Công cũng nói: Huyền trong ý chẳng phải là ý của ý thức. Người xưa thật không đáng nói, Viễn Công cũng còn mê lầm. Tôi không thể không trình bày, cư sĩ Vô Tận gật đầu đồng ý.

Cư sĩ nói: Có lần tôi thấy sư từ biệt chúng nói rằng: Tăng đất Ngô tên Giản Trình có đại tri kiến. Chân Điểm Hung đích thân thấy được Từ Minh. Dương Kỳ và Đạo Ngô khi tiếp người, phần nhiều đều nêu Thập trí đồng chân. Xin được nghe thuyết này.

Tôi nói: Thập trí đồng chân và tam huyền, tam yếu đồng một yếu chỉ.

Ngài Phần Dương nói: Người thuyết pháp cần đầy đủ thập trí đồng chân. Nếu không đầy đủ thì không phân biệt được tà chính, không rõ được Thánh phàm, không thể làm con mắt cho Trời người để quyết đoán đúng sai, giống như con chim làm sao có thể bay lên bầu Trời khi bị gãy cánh.

Tên làm sao có thể bắn trúng đích khi cung bị đứt dây?

Dây chắc, cánh khỏe thì bầu Trời và đích đều thấu suốt.

Thế nào là Thập trí đồng chân?

Ta nêu ra cho các Thượng Tọa biết: Một là đồng nhất chất trí, hai là đồng đại sự trí, ba là Tổng đồng tham trí, bốn là đồng chân trí trí, năm là đồng biến phổ trí, sáu là đồng cụ túc trí, bảy là đồng đắc thất trí, tám là đồng sinh sát trí, chín là đồng âm hống trí, mười là đồng đắc nhập trí.

Lại nói:

Đồng đắc nhập với ai?

Đồng âm hống với người nào?

Thế nào là đồng sinh sát?

Vật gì đồng đắc thất?

Cái gì đồng cụ túc?

Cái gì là đồng biến phổ?

Người nào đồng chân trí?

Ai có thể Tổng đồng tham?

Cái gì đồng đại sự?

Vật nào đồng nhất chất?

Có ai nêu ra được không?

Nếu nêu ra được thì ta không tiếc tâm từ bi. Nếu như không nêu ra được thì các ông chưa có con mắt tham học, cần mau chóng đạt được, phải biết đúng sai, thấy được mặt mũi hiện tại. Ngày nay, hầu hết các tùng lâm đều sợ pháp môn này, không muốn nghe.

Vì sao phải nói đến?

Chư phương chỉ thích những kiến giải bình thường, chấp chặt vào đó, không chịu buông, chỉ muốn truyền trao mà không tin có liễu ngộ. Giá như Ngài Phần Dương sống lại, đích thân phân tích thì họ cũng cho là sai.

Thuở xưa, Ngài A Nan kinh hành vào ban đêm, nghe đồng Tử tụng bài kệ:

Nếu người sống trăm tuổi

Không thấy được con hạc

Chẳng bằng sống một ngày

Mà được thấy con hạc.

A Nan liền dạy đồng tử nên đọc là: Thấy rõ Phật Pháp chớ chẳng phải thấy được con hạc. Đồng tử trở về thưa với thầy của mình.

Thầy cười và nói: A Nan già nên lú lẫn rồi, con phải xem lời ta là đúng.

Nói chỉ thú tam huyền, Thập trí cho người học bây giờ thì khác gì việc này?

Khi ấy, cư sĩ Vô Tận than rằng: Như vậy, chỉ thú này há chẳng phải là phương tiện sao?

Ta liền làm kệ:

Thập trí đồng chân toàn diện mục

Trong đó nhất trí là cội nguồn

Nếu như thấy được phần dương lão

Bổ tách tam huyền trở thành hai.

Lại hỏi: Bốn tân chủ cũng là pháp môn do Lâm Tế kiến lập ư?

Tôi đáp: Đó là phương tiện mà chư Phật trong ba đời và các Tổ Sư đã dùng để dẹp bỏ những tình kiến phàm Thánh, chẳng phải chỉ riêng Lâm Tế sử dụng, như Ngài Long Sơn Bản diện kiến Mã Tổ. Một hôm, Thiền sư Động Sơn Lương Giới cùng đi du phương với Mật Sư Bá.

Một hôm đi ngang qua Long Sơn ở Trường Sa, thấy suối khe, cây cỏ um tùm, giới quay lại nhìn núi non chập chùng xanh thẳm, rồi nói với Mật rằng: Trong đây chắc chắn có Ẩn Sĩ, liền men theo suối, đi khoảng mười dặm thì gặp một vị Tăng gầy ốm, chắp tay trước trán hỏi: Nơi đây không có đường, các vị từ đâu đến?

Giới nói: Hãy gác lại việc không có đường, am chủ từ đâu vào?

Đáp: Ta chưa hề du phương.

Giới hỏi: Am chủ ở đây bao lâu rồi?

Đáp: Không can hệ đến ngày tháng.

Giới tiếp: Am chủ trụ ở đây trước hay núi này trụ trước?

Đáp: Không biết.

Giới gạn lại: Vì sao không biết?

Đáp: Ta chẳng từng từ Cõi Trời người lại.

Giới hỏi: Được đạo lý gì mà trụ núi này?

Đáp: Ta thấy hai con trâu đất chọi nhau rồi chìm xuống biển, mãi đến ngày nay không có tin tức.

Mật Sư Bá và Lương Giới đầy đủ oai nghi lễ bái rồi hỏi:

Thế nào là khách trong chủ?

Đáp: Núi xanh mây trắng phủ

Lại hỏi: Thế nào là chủ trong chủ?

Đáp: Lâu năm không ra khỏi cửa.

Hỏi tiếp: Chủ khách xa nhau bao lâu?

Đáp: Sóng trên dòng Trường Giang.

Lại hỏi: Chủ khách gặp nhau có lời gì?

Đáp: Ban ngày gió mát thổi.

Giới đảnh lễ xin y chỉ.

Lão Tăng cười và nói:

Xưa nay an trú mái ba gian

Một đạo thần quang muôn cảnh nhàn

Chớ đem thị phi cùng ta nói

Thế gian đàm luận chẳng tương quan.

Ngay đó, am chủ đốt am rồi đi vào trong núi sâu. Về sau Lương Giới trụ ở núi này.

Giới hỏi vị Tăng: Ai là chủ nhân ông của ngươi?

Đáp: Người đang trả lời đó!

Giới ngửa mặt than thở: Đây gọi là việc của kẻ tôi tớ, vì sao nhận là chính mình?

Đây là điềm Phật Pháp suy vi.

Chủ trong khách còn chưa rõ, huống gì chủ trong chủ?

Tăng hỏi: Thế nào là chủ trong chủ?

Giới nói: Ngươi tự nói xem!

Đáp: Nói được tức là chủ trong khách.

Thế nào là chủ trong chủ?

Giới im lặng một lúc rồi nói: Không ngại nói cho ngươi nghe, nhưng giữ cho tương tục cũng rất khó.

Ta xem ý lão Tăng Long Sơn như Tiêu Hà hiểu Hàn Tín, há có pháp ư?

Nhưng lập luận của giới công như sự lập triều của Hoắc Quang, đi đứng cũng có phép tắc.

Than ôi! Người sau nhất định không hiểu hết ý người xưa, còn giới cũng để chủ trong chủ ở trong lòng, thì thật đáng nghi. Tôi từng đến Lâm Xuyên kết giao với Chu Thế Anh.

Một hôm Trưởng Lão Thượng Lam đến nói với Thế Anh rằng: Giác Phạm nổi tiếng làm thơ, nhưng thiền thì thầy ông ấy vẫn còn sai lầm, huống gì đệ tử?

Thế Anh cười, nói: Sư có thể nghiệm xét việc đó chăng?

Thượng Lam đáp: Ừ cả hai ở lại một ngày rồi cùng nhau đến Sơ Sơn, dùng cơm ở khách xá.

Thượng Lam lấy tay vẽ lên bàn và nói với tôi rằng: Trên gáy Kinh nhất định ghi chữ dĩ, là nghĩa gì?

Tôi liền vẽ một vòng tròn và gạch ngang rồi nói: Là nghĩa này. Thượng Lam ngạc nhiên.

Tôi làm bài kệ:

Chữ dĩ không thành, bát cũng sai

Pháp Thân say ngủ, chẳng che ngăn

Nạp Tăng đối diện tên không biết

Trăm người trước mắt gọi chẳng hay.

Thượng Lam trở về thuật lại cho Thế Anh, Thế Anh vỗ tay nói: Ai là thi Tăng cũng có thể biết nghĩa của từ ngữ ư?

Nhân đó cùng nhau xem bài kệ  Làm con nghé của Phần Dương: Đầu có, sừng không, thật buồn thay!

Trăm năm khó tránh tác gia này

Phàm Thánh cũng không sao biết hết

Hiện tiền tướng mạo có mảy may.

Tôi nói với Thế Anh rằng: Kệ này là giải thích tự nghĩa.

Thế Anh hỏi tôi: Kinh Hoa Nghiêm chép: Vị tiên Tì mục nắm tay Thiện Tài, lập tức Thiện Tài tự thấy thân mình trụ trong thế giới nhiều như số vi trần của mười Cõi Phật, rồi đến chỗ chư Phật nhiều như số vi trần của mười Cõi Phật.

Thấy Cõi Phật và chúng hội ở đó, các Đức Phật có đủ tướng tốt trang nghiêm, như vậy trải qua số kiếp nhiều như vi trần của trăm nghìn ức bất khả thuyết Cõi Phật. Đến khi vị tiên buông tay ra thì Thiện Tài lập tức thấy thân mình trở về chỗ cũ.

Ý nghĩa đoạn này giải thích thế nào?

Tôi đáp: Đều là biểu tượng. Vừa mới nắm tay tức là lúc nhập vào phép quán, thấy mình và người không cách nhau mảy may, trước sau không lìa đương niệm. Khi buông tay tức là lúc xuất định.

Ngài Vĩnh Minh nói: Cho nên biết, chẳng động bản vị mà các cõi xa gần rõ ràng. Một niệm chẳng rời mà thời gian dài ngắn đã xác thực.

Vì Thế Tôn lấy hoa sen làm thí dụ nên thế gian chẳng có ai biết, chỉ ta nhận biết: Khi hoa mới nở, trong đó đã có hạt, trong hạt đã có tim sen, trong nhân có quả, trong quả có nhân, ba đời đồng thời, hạt phân tán nhưng lại có thứ lớp, liên tục không gián đoạn, mười phương không cách nhau.

Lại hỏi: Kinh Pháp Hoa chép: Trước đại chúng, Thế Tôn hiển hiện đại thần lực, xuất tướng lưỡi rộng dài lên đến Cõi Trời Phạm, thật khó hiểu.

Nhưng có người giải thích rằng: Âm thinh Phật vi diệu, mọi nơi đều nghe, siêu việt Thánh phàm thì tướng lưỡi của Phật rộng dài lên đến Cõi Trời Phạm Thế.

Lời giải thích này như thế nào?

Ta đáp: Đây là hiểu trên ngôn ngữ, chẳng phải là ý của Thế Tôn.

Ngài Quy Sơn nói: Ý phàm Thánh bặt, thể lộ chân thường. Lý sự chẳng hai, tức như như Phật. Người học không thể hiểu ý vị sâu xa lời nói này, tạm chấp nhận theo suy đoán mà thôi.

Thí như người mù sờ voi, tùy bộ phận được chạm biết mà cho là voi, cho nên đối với họ, con voi chỉ là đuôi, là chân, là lưng, là ngà mà toàn bộ con voi đã bị ẩn đi.

Kinh Bát nhã ghi: Vì không hai, không hai phần, không sai biệt, không đoạn tức là chân thường, chẳng phải là chân thường của một vật lặng lẽ siêu việt, không biến hoại.

Tướng lưỡi rộng dài đến Cõi Trời Phạm, đâu có thể dùng ý thức biết được?

Ngài huyền Tráng đến Tây Trúc gặp luận Sư Giới Hiền, lúc đó Giới Hiền đã một trăm linh sáu tuổi, được mọi người kính ngưỡng tôn là Chính Pháp Tạng.

Ngài huyền Tráng cung kính làm lễ, đến bên Luận Sư, Luận Sư mời ngồi, rồi hỏi: Từ đâu đến?

Đáp: Từ Trung Quốc đến, muốn học các bộ luận như Du Già v.v...

Lúc đó luận Sư rơi lệ gọi đệ tử là Giác Hiền đến và hỏi: Cơn mộng trước đây của ta như thế nào?

Vị đệ tử nói với Ngài huyền Tráng rằng: Ba năm trước, Hòa Thượng bị cơn bệnh hiểm nghèo, đau đớn như người lấy dao rạch bụng. Hòa Thượng định tuyệt thực đến chết.

Đêm đó, Hòa Thượng nằm mộng thấy một người nam, thân màu vàng đến bảo rằng: Ông chớ chán tấm thân mà xưa ông từng yêu quý.

Trước đây, ông thường hại mạng vật, phải nên ăn năn, tự sát có ích gì?

Có vị Tăng Trung Quốc đến đây học Phật Pháp, đang trên đường đi, ba năm nữa sẽ đến, hãy truyền thọ Pháp Phật để vị ấy truyền bá thì tội ông tự diệt. Ta là Mạn Thù Thất Lợi, cố ý đến báo cho ông rõ. Hòa Thượng bị bệnh đã ba năm, nay thầy đã đến, mộng trước thật có linh ứng.

Tôi sống ở đời đã trải qua nhiều gian khổ, đó là do nghiệp xưa vậy. Nay biết rằng nghe lời dạy của Ngài Mạn Thù Thất Lợi đem pháp trao cho người thì tội tự diệt.

Cho nên, mục đích soạn cuốn Phật Tổ chỉ quyết là muốn giúp cho người diệt trừ nghiệp chướng đời trước của mình, chứ chẳng phải cầu việc khác.

*