Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

TRUYỆN CÁC VỊ TỲ KHEO NI - TRUYỆN NI SƯ TRÍ HIỀN Ở TÂY TỰ, TƯ CHÂU

TRUYỆN CÁC VỊ TỲ KHEO NI

Giảng giải: Sa Môn Bảo Xướng, Đời Lương
 

TRUYỆN NI SƯ TRÍ HIỀN

Ở TÂY TỰ, TƯ CHÂU
 

Ni Sư họ Triệu, người Thường Sơn. Cha Ni Sư tên là Trân, phụ tá huyện lệnh Liễu. Thuở nhỏ, Ni Sư đã có ý chí kiên trinh, khí tiết cao thượng. Đến khi xuất gia, Ni Sư giữ gìn giới hạnh vẹn toàn, tâm trí an định, sáng suốt, rỗng rang, không tạp loạn.

Thái thú Đỗ Bá rất sùng tín đạo Hoàng Lão, không ưa Đạo Phật. Ông ta ra lệnh các Chùa hẹn ngày tuyển chọn người có cốt cách cao vời hội đủ các tiêu chuẩn qui định để đào thải những kẻ tầm thường.

Nghe tin ấy, các vị trẻ tuổi đều sợ hãi chạy trốn, riêng Ni Sư không lo sợ, nét mặt tươi vui, an nhiên như bình thường.

Trường bắn ở ngoài thành tập trung toàn là các bậc tuổi cao đức trọng. Đến ngày thi tuyển, trong số Ni chúng chỉ có một mình Ni Sư là người khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Trước hết, Đỗ Bá thử cốt cách của Ni Sư thì hội đủ các tiêu chuẩn. Dáng vẻ của Ni Sư thanh cao, dịu dàng, lời nói trong sáng, khôn khéo. Đỗ Bá vốn có tâm xấu xa, ép Ni Sư ở lại một mình. Biết lòng dạ ông ta, Ni Sư nguyện không hủy phạm giới pháp.

Bất kể đến tính mạng, Ni Sư lớn tiếng chống cự lại. Đỗ Bá nổi giận, dùng dao chém vào Ni Sư đến hơn hai mươi nhát, khiến Ni Sư bất tỉnh, ngã lăn ra đất. Khi hắn bỏ đi, Ni Sư mới tỉnh lại.

Từ đó, Ni Sư càng thêm tinh tiến gấp bội, chỉ ăn rau quả và thực hành khổ hạnh. Ni Sư có hơn trăm người đệ tử, lúc nào cũng hòa hợp như nước với sữa.

Đến khi Phù Kiên soán ngôi, nghe danh tiếng Ni Sư, ông ta rất kính trọng, may Ca Sa bằng gấm lụa trị giá đến trăm vạn lượng vàng để ban tặng Ni Sư, ba năm mới hoàn thành.

Sau, Ni Sư sống ở Tây Tự, Tư Châu, Hoằng Dương chính pháp, làm cho mọi người phát khởi tín tâm và theo đó thực hành.

Vào giữa niên hiệu Thái Hòa 366 - 371 đời Tấn, đã ngoài bảy mươi tuổi, Ni Sư vẫn thường tụng Kinh Chính Pháp Hoa, một ngày đêm là trọn bộ. Chim chóc thường bay đến đậu quanh Chùa. Những lúc Ni Sư kinh hành, chúng hót vang, bay lượn theo sau Ni Sư.

***