Phaùt taâm boà ñeà
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

tinhkhongphapsu.vn

TRUYỆN THẦN TĂNG - TẬP MƯỜI SÁU - THẦN TĂNG PHÁP HIỂN

TRUYỆN THẦN TĂNG

Soạn thuật: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thích Tăng Hữu, Đời Lương
 

TẬP MƯỜI SÁU

THẦN TĂNG PHÁP HIỂN
 

Thích Pháp Hiển, vốn dòng họ Cung, người xứ Vỏ Dương, Bình Dương, có ba người anh đều chết từ thuở còn bé. Thân phụ Ngài lo sợ họa ấy ảnh hưởng đến Ngài, nên năm lên ba tuổi, bèn độ cho làm Sa di, sống ở tại nhà vài năm, gặp cơn bệnh nặng muốn chết. Nhân đó liền đưa đến Chùa, ngủ qua hai đêm, bệnh liền lành, Ngài chẳng chịu về nhà.

Năm lên mười tuổi, gặp chịu tang thân phụ.

Chú ruột Ngài bảo rằng: Mẹ Ngài ở góa độc thân, không người kế thừa. Ép buộc Ngài hoàn tục.

Ngài nói: Vốn chẳng vì có cha mà xuất gia, chính vì muốn xa lìa trần tục nên nhập đạo.

Chú ruột lấy làm phải từ lời nói ấy, bèn thôi. Trong khoảng thời gian ngắn, Ngài lại phải chịu tang thân mẫu. Chí tánh Ngài vượt trội mọi người, mãng tang xong, Ngài liền trở lại Chùa.

Ngài cũng từng cùng các bạn đồng học cắt lúa trong đồng ruộng. Bấy giờ, có bọn giặc đói muốn cướp đoạt số lúa thóc đó, các vị Sa di thảy đều bỏ chạy, chỉ còn một mình pháp hiển còn ở lại.

Ngài nói cùng bọn giặc rằng: Nếu muốn lấy lúa thóc này thì tùy ý cứ lấy, chỉ vì các ông ngày xưa chẳng bố thí cho nên dẫn đến đói khát như thế. Ngày nay lại cướp đoạt của người, sợ rằng ngày sau càng tệ hại hơn thế nữa. Bần đạo dự biết nên vì các ông mà lo vậy.

Nói xong liền trở lui, bọn giặc bỏ lúa lại mà đi, Chúng Tăng thảy đều thán phục.

Đến lúc thọ Đại giới, chí hạnh càng minh mẫn, nghi đắc chỉnh tề. Ngài thường suy tư về Kinh Luật lẫn lộn khuyết thiếu, nên phát chí nguyện đi tìm cầu. Năm Long An thứ ba 399, đời Đông Tấn, Ngài cùng các bạn đồng học như Tuệ Cảnh… xuất phát từ Trường An đi Tây Trúc, vượt qua Lưu Sa.

Trên đường đi đó, thường có gió nóng ác quỷ, gặp nó hẳn là chết. Ngài tùy duyên phó mạng, qua thẳng hiểm nạn đi tới Thông Lãnh, mùa Đông mùa Hạ, tuyết thường phủ đầy, có loài rồng dữ nhả độc, gió mưa cát đá. Đường núi nguy hiểm, vách đá dựng đứng cao khoảng bảy ngàn thước, phàm các nơi Ngài vượt qua, hơn bảy trăm chỗ.

Tiếp theo là núi Tiểu Tuyết, gió rét lạnh bốc mạnh, Tuệ Cạnh bị cảm lạnh, không thể đi được nữa, nói cùng Pháp Hiển: Tôi sẽ chết mất, bạn nên đến nơi, chớ để mất mạng. Nói xong bèn thị tịch.

Pháp Hiển vỗ về đồng bạn, khóc bảo: Vốn ước muốn mà không viên mãn, mạng sống sao đây.

Ngài lại một mình cố gắng tiến tới đường phía trước, vượt qua núi non nguy hiểm. Trải qua hơn ba mươi nước, gần đến Thiên Trúc, cách thành Vương Xá hơn ba mươi dặm, có một ngôi Chùa, Ngài cố nhắm mắt qua đó.

Ngài muốn lên núi Kỳ Xà Quật, Chư Tăng Chùa đó cản ngăn, bảo: Đường đi rất gian nan hiểm trở, có nhiều sư tử đen thường ăn thịt người, làm sao có thể đi đến?

Ngài bảo: Tôi từ xa vượt qua vài vạn dặm, thệ nguyện được Linh Thứu, thân mạng vốn đã không thể kỳ hẹn, hơi thở ra khó mong bảo toàn.

Đâu có thể giữa mãi sự chí thành đã nhiều năm mà đành phá bỏ ư?

Tuy có hiểm nạn, tôi đã quyết thì không còn sợ nữa.

Đại chúng không thể cầm chân Ngài được, bèn sai hai vị Tăng đưa đi.

Vào tới núi, trời cũng vừa tối, Ngài muốn ở lại qua đêm, hai vị Tăng ấy sợ nguy hiểm, để Ngài ở lại mà trở về. Một mình ở lại trong núi, Ngài đốt hương lễ bái, ngẩn đầu lên như được cảm tích xưa hiện được Thế Tôn. Đến nửa đêm, có một con sư tử đen đến ngồi trước mặt Ngài, lè lưỡi quẩy đuôi. Ngài tụng Kinh không dừng nghĩ, nhất tâm niệm Phật, sư tử bèn cúi đầu rủ đuôi nép phục dưới chân Ngài.

Ngài đưa tay xoa đầu nó, chú nguyện rằng: Nếu muốn làm tổn hại thì đợi chờ tôi tụng Kinh xong, còn như không muốn thì có thể lui. Một hồi lâu, sư tử mới bỏ đi. Sáng sớm trở về lại, đường đi tối tăm cản trở, chỉ có một đường đi thông suốt, Ngài đi chưa tới một dặm, bỗng gặp một đạo nhân tuổi độ chín mươi, ăn mặc thô sơ mà thần khí tuấn tú cao xa, Ngài tuy biết người đó có cốt cách cao nhã mà không rõ là Thần Nhân.

Sau, lại gặp một vị Tăng trẻ, Ngài hỏi: Đạo nhân tuổi già kia là ai vậy?

Vị Tăng ấy đáp: Đó là Đầu Đà Ca Diếp đại đệ tử.

Ngài mới hãi hùng buồn giận.

Đến trung Thiên Trúc, Ngài thỉnh được Luật Ma Ha Tăng Kỳ tại Chùa Thiên Vương. Phía Nam Bảo Tháp Vua A Dục tạo dựng ở ấp Ba Kiên Phất Ma Kiệt Đề. Ai thỉnh được các Kinh như Tác Bà Đa Luật sao, Tạp A Tỳ Đàm, Tâm Tuyến Kinh, Kinh Phương Đẳng, Niết Bàn… ở lại đó hai năm, Ngài lại thỉnh được Luật Di Sa Tắc, Kinh Trường A Hàm, Tạp A Hàm và Tạp Tạng, đều là những bộ Kinh Luật tại đất Hán không có.

Sau, nương theo thuyền thương buôn trở về bằng đường biển. Trên thuyền có hơn hai trăm người, gặp mưa bão gió lớn, mọi người đều lo sợ, liền đem các tap vật quăng bỏ, Ngài sợ họ quăng bỏ số Kinh tượng ấy, nên chỉ nhất tâm xưng niệm hồng danh đức Bồ Tát Quán Thế Âm và quy mạng về Chúng Tăng ở đất Hán.

Thuyền thuận theo gió mà đi, không bị thương tổn gì, Ngài liền thẳng theo hướng Nam về đến chốn Kinh Đô, tới Chùa Đạo Tràng cùng Thiền Sư Phật Đà Bạt Đà, người ngoại quốc phiên dịch Luật Ma Ha Tăng Kỳ, Kinh Phương Đẳng, Nê Hoàn, Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận có hơn trăm vạn lời.

Ngài đã ấn xuất Kinh Đại Niết Bàn, lưu rộng giáo hóa, đều kiến mọi người thấy nghe. Có một nhà nọ, mất họ tên, ở gần cửa Chu Tước, đã nhiều đời phụng thờ chánh pháp, tự tay đã viết một bộ để đọc tụng cúng dường, không chia cách Kinh thất và nhà để sách tạp.

Sau, gió lửa bỗng nhiên bừng cháy từ xa đến nhà đó, mọi thứ của cải vật dụng đều bị hay hết, chỉ còn bộ Kinh Niết Bàn. Đưa bỏ vào lò đốt nướng vẫn không xâm tổn, sắc màu quyển Kinh cũng không đổi khác. Khắp chốn Kinh Đô, rao truyền lẫn nhau, mọi người đều khen ngợi là thần diệu. Ngoài ra, các Kinh Luật khác còn chưa phiên dịch.

Sau, Ngài đến Kinh Châu, thị tịch tại Chùa Tân, hưởng thọ tám mươi sáu tuổi.

***